Đa chiều

Áp lực của người trẻ

Một diễn viên trẻ tuổi ở xứ sở Kim Chi tự sát tại nhà riêng. Việc sao Hàn tự sát vốn dĩ không phải là điều gì quá lạ lẫm. Và việc một ai đó tự sát vốn không chỉ xảy ra tại Hàn Quốc, Việt Nam cũng có rất nhiều…

Nếu thường xuyên đọc tin tức trên báo chí bạn sẽ thấy kinh ngạc khi hầu hết tuần nào cũng có đăng bài tìm xác người nhảy cầu, thậm chí có ngày còn có tới vài người chết vì nhảy cầu. Mà họ, hầu hết đều là những người trẻ tuổi.

Từ 16 - 18, người ta thường tự tử vì áp lực học hành, thi cử, vì bị tổn thương lòng tự trọng, vì bố mẹ không hạnh phúc hoặc bị bắt nạt khi tới trường.

Từ 19 - 25, người ta thường tự tử vì tình yêu không như ý muốn, vì áp lực xin việc làm, xoay sở với cuộc sống tự lập vô vàn khó khăn, đầy cám dỗ và cạm bẫy. Đây cũng chính là độ tuổi có nhiều bước ngoặt rất lớn trong đời khiến cuộc sống của họ hoặc là tốt lên hoặc là xấu đi.

Từ 26 - 30, nguyên nhân tự tử thường liên quan đến áp lực công việc, tiền nong, nợ nần, gia đình đổ vỡ, trống rỗng và vô cảm, khủng hoảng trước độ tuổi trung niên.

Từ 30 - 36 tuổi thì sự thất bại liên tiếp trong việc xây dựng sự nghiệp, phá sản công ty, nợ nần chồng chất, không tìm được lối thoát, gia đình vì thế cũng ly tán, mất hết niềm tin của nhũng người thân cận chính là nguyên nhân dẫn đến việc ai đó tìm đến cái chết.

Ảnh minh họa 

Mỗi chúng ta, nếu không phải những người sinh ra đã may mắn... vào giai đoạn nào đó của cuộc đời, hẳn đã từng trải qua cảm giác chông chênh, bế tắc, tuyệt vọng tương tự. Bằng cách nào đó, chúng ta vẫn vượt qua, vẫn bước tiếp và đủ tỉnh táo để nhìn lại, nhận thấy sự dại dột, nông nổi của bản thân. Sự nhìn nhận này sẽ giúp ta trưởng thành dần dần, mạnh mẽ từ bên trong, giữ cảm xúc luôn cân bằng.... Nhưng, có những người đã không có được cơ hội đó. Mà giữa sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau một cái ôm, một cái nắm tay hay đơn giản chỉ là một cái vỗ vai và im lặng đồng cảm.

Một cô gái đã lập gia đình nhưng vợ chồng không hạnh phúc. Sống cô lập giữa nhà chồng chịu biết bao cay đắng tủi nhục. Rồi cuối cùng cũng đến lúc ly hôn, cô bị đuổi ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, đến đứa con cũng không được nhìn mặt. Tìm về nhà mẹ đẻ với hy vọng được an ủi, vỗ về thì bố mẹ cô chẳng những không xót xa mà còn lớn tiếng chửi rủa.

Một cô gái mới bước vào độ tuổi trăng tròn, cả cuộc đời còn ở phía trước, có thai với bạn trai nhưng bị cậu ta đá. Cô lấy hết can đảm kể chuyện với bố mẹ, rốt cuộc bị bố mẹ tổng xỉ vả chẳng tiếc lời. Họ chỉ quan tâm tới thể diện của gia đình, chỉ nhìn vào những lời rèm pha của láng giềng hàng xóm chứ không hề lo lắng cho cuộc đời của con gái.

Bao nhiêu người ở vào những hoàn cảnh tương tự thế này sẽ vượt qua được? Nói thì dễ, làm thì khó lắm.

Có người sinh ra, cuộc sống êm đềm như dòng sông Thu nhưng có người luôn trải qua biến cố. Chúng ta vốn không chết vì biến cố mà chết vì thái độ, cách hành xử, đối mặt với biến cố ấy ra sao. Hai cô gái tôi nhắc tới bên trên đều có thật ngoài đời, đều đã tự tìm tới cái chết để tự giải thoát khỏi cơn đau khổ cùng quẫn.

Tôi chỉ tiếc rằng, có thể, họ vẫn còn đang sống nếu như bố mẹ họ thay vì chửi rủa đã dang tay ôm lấy đứa con tội nghiệp của mình vào lòng. Thay vì giữ lấy thể diện, hãy giữ lấy tính mạng của con gái. Chúng ta chẳng ai sống hộ được cuộc đời của nhau. Đời người được mấy thâm tình, máu mủ. Đừng để những lời bàn ra tán vào làm quỹ đạo của bản thân chệch hướng.

Một cậu con trai 14 tuổi được bố mẹ xem là bất trị. Họ đã từ bỏ mọi phương pháp dạy dỗ và coi cậu ta như là người vô hình dù cậu ta vẫn sống cùng với họ. Họ đem chuyện con trai hư hỏng kể khắp trong xóm ngoài làng để nhận được sự đồng tình của đám đông và quan trọng là khiến bản thân không tự cảm thấy bỏ mặc con là quyết định sai lầm. Kết quả là, cậu con trai ấy đã không những hư hỏng khi ở nhà mà còn ngông cuồng cả khi bước chân ra đường. Chỉ cần nhìn thấy cậu là người ta tránh xa, người ta bàn tán, người ta chỉ trỏ.

Tôi khi ấy 17 tuổi, gặp cậu cũng chỉ nhoẻn miệng cười xã giao. Nhưng  một lần giao tiếp tôi thấy cậu ta còn nhiệt tình và lễ phép. Và cũng kể từ đó, tôi và cậu ta có vẻ thân nhau hơn, gặp tôi ở đâu cậu ta cũng chào và mỉm cười thân thiện dù rõ ràng tôi chẳng giúp gì cậu ta cả.  

Thực ra, trong mỗi con người đều có khao khát được sống với bản chất lương thiện của mình. Chẳng ai muốn đóng vai phản diện mãi... Cuộc đời cũng giống như một bộ phim và ai cũng muốn được trở thành trung tâm của bộ phim đó. Khi mà đến cả bố mẹ, anh, chị, em đều quay lưng thì một nụ cười xã giao của cô bé hàng xóm đột nhiên lại trở thành điểm sáng, thành điểm bấu víu duy nhất để một cậu bé 14 tuổi có cơ hội được làm người tốt.

Con người, với tâm lý bầy đàn ăn sâu vào máu, thường có xu hướng ùa vào lên án gay gắt một ai đó, tẩy chay họ đến mức chẳng chừa lại cho họ một lối thoát để quay đầu. Một cô gái trẻ xinh đẹp, nổi tiếng... bỗng một ngày ăn chơi, thác loạn... Họ sẽ ngay lập tức gắn cho cái mác "gái hư", "con ghẻ quốc dân"... và không tiếc lời cay nghiệt để vùi dập cô ta bằng mọi cách. Thà để cô ta chìm nghỉm còn hơn thấy cô ta toả sáng chói loà. Đó vốn là bản tính ích kỷ xấu xa của con người.

Sulli, cô ca sĩ trẻ qua đời ở tuổi 25 đã từng chia sẻ trên trang cá nhân rằng "Tôi muốn là người có thể mang lại sự ấm áp cho người khác. Cảm ơn các bạn. Sau này, dù ghét hay yêu thích tôi cũng mong các bạn giúp đỡ!". Còn trong chương trình Jinri Maket phát cuối năm 2018, cô ấy đã nói "Tôi buồn vì mọi người quá khắt khe với tôi. Nhìn tôi là kẻ dị biệt!"...

Nó nói lên điều gì? Cô ấy đã rất muốn sống, muốn được tiếp nhận nhưng cuộc đời đã từ chối cô ấy. Cái chết là tất cả những gì mà một người đang ở trong cơn khủng hoảng tâm lý có thể làm được để giải thoát mình khỏi những dằn vặt, đau khổ.

Còn ngay lúc này, nếu bạn còn có cha mẹ ruột luôn quan tâm ân cần, còn có người bạn đời luôn ở bên cạnh lắng nghe, động viên, sát cánh băng qua những khó khăn của cuộc đời, còn có những đứa con thơ luôn xem bố mẹ chúng là cả thế giới, có vài hoặc chỉ một người bạn thân, hay đơn giản chỉ là có một người lạ qua đường ngồi bên quán trà đá vỉa hè lắng nghe đôi ba dòng tâm sự... Ấy là bạn đã, đang hạnh phúc lắm rồi. Hãy tận hưởng những niềm hạnh phúc đang hiện diện ngọt ngào ấy dù nó chỉ đến từ những điều nhỏ bé, đơn sơ.

Khó khăn còn chờ ta ở ngoài kia, ta có thể lựa chọn hoặc đối đầu, hoặc từ bỏ hoặc làm bạn với nó. Nếu nhận thấy bản thân quá mỏi mệt, không thể theo kịp đoàn leo núi, hãy dừng lại, phóng tầm mắt ra xa... Bạn sẽ thấy khung cảnh xung quanh hoá ra đẹp vô cùng. Úp mặt vào núi chỉ toàn thấy đá, quay mặt ra sau lại toàn hoa lá, cỏ cây. Sống hiện diện ở mỗi phút giây mình đang có chính là bí quyết để giúp mỗi chúng ta thấy hạnh phúc hơn. Nếu một lúc nào đó khi tâm trí đã quá mỏi mệt, hãy buông bỏ. Nhưng không phải là buông bỏ mạng sống, mà là buông bỏ những điều phiền não, buông bỏ những ràng buộc khiến tâm hồn tù túng. Khi bị cả thế giới quay lưng, hãy tự mình tốt với mình là đủ!

Thanh Ngân

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.