Xi nhan Trái Phải

Áp giá sàn dịch vụ bầu trời và chuyện khóc quấy đòi đồ chơi của “con cưng"

Sự khôn lỏi ẩn sau cụm từ “giải pháp” của hãng hàng không này khiến cho khách hàng sẽ là người chịu thiệt.

 

Trong cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, Hãng hàng không lớn nhất nước đã đưa ra một đề xuất gây tranh cãi khi muốn được áp giá sàn vé máy bay từ 414.000 đồng/chặng - 1,4 triệu đồng/chặng.

Áp giá sàn vé máy bay là điều ít có tiền lệ trên thế giới, đặc biệt là đối với loại hình vận tải mang tính cạnh tranh cao như hàng không, vì điều này sẽ xóa bỏ lợi thế về giá của các hàng không giá rẻ.

Nói cách khác, một khi áp giá sàn, sẽ không còn cái gọi là hàng không giá rẻ, không còn "vé 0 đồng", săn vé giá rẻ, “phổ cập bay” như nhiều hãng bay khác đang áp dụng. Với viễn cảnh như vậy, yếu tố trọng yếu giúp các hãng hàng không cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường sẽ không còn.

Giải thích cho lý do đưa ra đề xuất trên,  nói rằng, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Hãng hàng không mang thương hiệu quốc gia coi đây là một trong những “giải pháp” giúp họ vượt qua khó khăn.

Chuyện kinh doanh vĩ mô của hãng bay lớn nhất Việt Nam, đôi khi không đến lượt một khách hàng mỗi năm chỉ bay vài chặng vào cuộc bình phẩm. Nhưng cái giải pháp “dìm người khác để tự cứu mình” của họ đưa ra đang khiến ngay cả một người nông dân dù cả đời chưa đi máy bay  cũng thấy khó nghe.

Trên các trang mạng xã hội, kiến nghị của hãng đã lập tức gây tiếng vang khi được giới học giả online tôn vinh là “mô hình sáng kiến toàn cầu của năm 2021”, có thể giúp giới doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà từ châu Âu đến châu Mỹ vượt qua những tác động của Covid-19, nhanh chóng khắc phục thua lỗ, ăn nên làm ra. 

Giải pháp mà hãng bay quốc gia đưa ra có thể nói là một công trình nghiên cứu đầy công phu , có giá trị khoa học và tính thực tiễn cao về phương diện ...khôn lỏi, bởi việc áp sàn giá vé máy bay có thể gián tiếp "bóp chết" các hãng hàng không giá rẻ, thu lợi từ người tiêu dùng giữa mùa dịch bệnh.

Đáng tiếc cho 40 hãng hàng không thế giới đã phá sản vì Covid-19 vào năm ngoái, bởi nếu giải pháp này đưa ra sớm, số phận của họ có lẽ đã không bi kịch đến vậy.

Nếu ai còn chưa hiểu giải pháp nói trên thì có thể hình dung bằng một mô hình rất đơn giản thế này.

Bạn là một doanh nghiệp lâu đời, tồn tại và phát triển đã hơn nửa thế kỷ. Bạn có nguồn lực mạnh và được nhà nước hậu thuẫn. Bạn độc quyền nên nhiều năm qua người dân toàn quốc chỉ mua hàng của bạn. Dù có tăng giá thế nào thì khách hàng cũng không ca thán, vì họ không có quyền lựa chọn nào khác. Bạn cứ quen cách kinh doanh như vậy, ung dung lớn mạnh sau nhiều năm.

Bẵng đi một thời gian, khi bạn phải bước vào cuộc chơi mang tính cạnh tranh cao của nền kinh tế thị trường, bỗng đâu có những đối thủ non trẻ xuất hiện. Những kẻ này bán sản phẩm giá rẻ hơn, cung cách phục vụ tốt hơn, lại nhiều ưu đãi cho khách hàng hơn.

Và chính những đối thủ non trẻ đó lại dần lớn mạnh, dần "ăn" vào miếng bánh thị phần vốn dĩ lâu nay của mình bạn. Bạn bắt đầu thay đổi phương thức kinh doanh nhưng sự thay đổi đó quá ít, không mang lại hiệu quả. Vậy phải làm cách nào? Cách đơn giản nhất là làm mất lợi thế cạnh tranh của đối thủ: Bán hàng giá rẻ!

Mới đây thôi, dư luận còn nóng hổi sau khi đại diện hãng bay này đăng đàn khắp nơi kêu than khó khăn, báo lỗ hơn 11.000 tỷ đồng vì dịch bệnh, và được phê duyệt cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%. 

Liệu rằng, cũng như lần trước, khi chỉ cần quấy khóc là sẽ được nuông chiều, quấy lần một không được thì lấy cái cớ Covid-19 để quấy lần hai, thậm chí ăn vạ như Chí Phèo, lần này, “đứa con cưng” cũng sẽ đạt được mục đích?

Sự khôn lỏi ẩn sau cụm từ “giải pháp” của hãng khiến cho khách hàng sẽ là người chịu thiệt, chỉ vì đề xuất từ một hãng hàng không quá ỷ lại vào sự bao bọc của chủ sở hữu - ở đây là vốn của Nhà nước.

Xét trên bình diện thế giới, thay đổi biên độ giá vé máy bay, áp giá sàn, giá trần luôn được xem xét cẩn trọng, tùy theo tình hình thực tế và theo kiến nghị chung của các hãng máy bay trong nước, quan trọng hơn cả là không vi phạm tính cạnh tranh của thị trường.

Indonesia là một ví dụ khác biệt về việc bắt buộc phải áp giá sàn vé máy bay. Vì lý do an toàn, chính phủ nước này đã áp mức giá sàn và trần trong ngành hàng không, sau một số vụ tai nạn liên quan đến các hãng hàng không giá rẻ. Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết mức giá sàn là cần thiết để đảm bảo các tiêu chuẩn dịch vụ an toàn không bị bỏ qua do giá vé thấp.

Tuy nhiên, ngay cả với lý do nghe có vẻ chính đáng như vậy, quyết định của Indonesia vẫn đang vấp phải sự phản đối. Giới chuyên gia hàng không cho rằng, chính phủ nên thực thi các tiêu chuẩn an toàn trong ngành hàng không thay vì quy định giá cả.

Bởi trên thực tế, có nhiều hãng hàng không luôn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao với mức giá rẻ. Nếu lý do là an toàn, sẽ tốt hơn là tạo ra các tiêu chuẩn an toàn, bởi vì điều chỉnh giá đồng nghĩa với việc giết chết sự cạnh tranh.

Chuyện con đẻ làm nũng để được ưu ái cũng không phải mới trên thị trường hàng không. Đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã tuýt còi đối với kế hoạch của chính phủ Áo về việc áp sàn giá vé máy bay để hỗ trợ cho hãng hàng không Austrian Airlines đang gặp khốn khó vì dịch bệnh.

Dư luận chỉ trích vì Áo quá bảo hộ cho Austrian Airlines mặc dù vừa hỗ trợ tài chính cho hãng bay này, trong khi quy định của EU về dịch vụ hàng không từ năm 2008 cho phép các hãng hàng không “tự do đặt giá vé máy bay”.

Trở lại với câu chuyện “áp giá sản dịch vụ bầu trời”, xét về mặt pháp lý, đề xuất của hãng hàng không này cũng không hề có cơ sở.

Theo Điều 28 Luật cạnh tranh thì Nhà nước sẽ chỉ áp đặt giá đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước nhằm kiểm soát, tránh trường hợp thống lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Và rõ ràng hoạt động kinh doanh vận tải hàng không không phải là lĩnh vực độc quyền Nhà nước.

Nếu  việc “khóc đòi đồ chơi” của ...các em mà người anh vốn được cưng chiều quyết tâm ăn vạ thành công, chắc hẳn  nhiều năm về sau, khi nhìn lại năm 2020 trong lịch sử, hậu thế sẽ nhớ về một năm dịch bệnh đau thương, đảo lộn cuộc sống của nhân loại. Và khi nhìn lại năm 2021, hậu thế sẽ nhớ về hãng hàng không lớn nhất của chúng ta, vị cứu tinh đã đưa ra giải pháp hết sức sáng tạo, mang tính khôn lỏi tầm vóc...bao quát cả bầu trời  để giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh.

*Bài viết thhin quan đim riêng ca tác gi

Quc Vinh