Văn hoá

Áo dài ngũ thân gây tranh cãi ở Huế tạo ấn tượng đẹp giữa lòng Hà Nội

Việc vận áo dài ngũ thân nam đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người tại buổi toạ đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội – Huế- Sài Gòn.

Hai luồng ý kiến về việc sở Văn hoá - Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế cho “thử nghiệm” nam công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở vào ngày thứ Hai đầu tuần mỗi tháng vừa qua đã gây tranh cãi một thời gian dài trên công luận và cả mạng xã hội.

Những ý kiến đồng thuận, ủng hộ cho rằng, việc làm này rất ý nghĩa nhằm khuyến khích mọi người nhớ đến di sản văn hóa và phục hồi di sản văn hóa đó của dân tộc. Càng ý nghĩa hơn khi người thực hiện chính là cán bộ của sở VH-TT, đơn vị sẽ đi “tiên phong” trong việc hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, mặc áo dài đi làm sẽ rất bất tiện, “công sở chứ không phải sàn diễn thời trang”…

Giữa những tranh cãi thì mới đây, tại buổi Tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội – Huế- Sài Gòn (8/10-1960-8/10/2020) tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, hình ảnh nhiều người tham dự mặc áo dài ngũ thân đã nhận được sự ủng hộ cũng như để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhiều người. 

Lãnh đạo 3 thành phố Hà Nội - Huế - TP.Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm tại buổi toạ đàm, gặp mặt.

Dự buổi tọa đàm này có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Anh Đức...

Tham gia buổi gặp mặt, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao Thừa Thiên-Huế là đại diện cho các nhà khoa học tiêu biểu của Thừa Thiên-Huế  để tham gia buổi tham luận về tình kết nghĩa Hà Nội – Huế - Sài Gòn dưới góc nhìn văn hoá, lịch sử.

TS. Hải là người rất trăn trở về sự lan toả nét văn hoá truyền thống bằng việc “thử nghiệm” nam công chức của đơn vị mình mặc áo dài ngũ thân đến công sở vào ngày thứ Hai đầu tuần mỗi tháng.

Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc sở Văn hoá -Thể thao Hà Nội (người mặc áo dài ngũ thân nam) chụp ảnh cùng đoàn Thừa Thiên-Huế.

Nằm trong khuôn khổ giao lưu của buổi gặp mặt, không chỉ TS. Hải vận áo dài ngũ thân, việc này còn có sự  ủng hộ, tham gia của ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc  sở Văn hoá -Thể thao Hà Nội, của ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân và của rất nhiều thành viên trong CLB Đình làng Việt (Hà Nội)…

Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân (người mặc áo dài ngũ thân) rất ủng hộ việc lan toả nét văn hoá truyền thống của Thừa Thiên-Huế.

Trước buổi tọa đàm đã diễn ra một cuộc giao lưu thú vị giữa TS.Phan Thanh Hải với câu lạc bộ Đình làng Việt do Họa sỹ Nguyễn Đức Bình làm chủ nhiệm. Ngoài sự ủng hộ lan toả nét truyền thống văn hoá, hai bên đã trao đổi về kinh nghiệm để lan tỏa ảnh hưởng của áo dài ngũ thân nam ra cộng đồng, từ đó từng bước phục hồi bộ quốc phục của đàn ông Việt Nam.

Hình ảnh áo dài ngũ thân nam tạo ấn đẹp trong khuôn khổ buổi toạ đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội – Huế- Sài Gòn. 

Liên quan đến việc lan toả ảnh hưởng của dáo dài ngũ thân nam ra cộng đồng, thầy Thích Tâm Hoà, đại đức của một ngôi chùa ở Hà Nội quan điểm, mọi người chỉ toàn lo việc lớn. Nhưng điều cốt lõi bị bỏ qua. Hồn quê  đẹp chính là “văn hoá”. Nó có nghĩa là lan toả cái đẹp từ hình thức đến nội dung.