Tiêu dùng & Dư luận

Anh nông dân thu 1 tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi lợn kiểu "lạ"

Tận dụng khu vườn trồng tới 700 cây mít, hàng trăm cây chuối, cây chè cỏ, lá sung,... anh nông dân này nuôi lợn theo phương pháp "lạ" cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Thời gian qua, nhiều hộ gia đình ở vùng nông thôn đã không ngừng nỗ lực để vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt trong mấy năm gần đây, heo rừng hay còn gọi là lợn rừng là loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên, được con người thuần chủng và nuôi khá nhiều tại Việt Nam. Được biết đến là loài thịt sạch, với lượng mỡ thấp, chất thịt ngon và có hương vị của rừng núi. Kỹ thuật nuôi lợn rừng không khó, nhưng cần bỏ nhiều thời gian và công sức. Sau đây là một số kỹ thuật nuôi heo rừng đúng cách, hiệu quả mang lại kinh tế cao.

Thịt loẹn rừng giá khá đắt đỏ.

Gần đây, người chăn nuôi lợn rừng cả nước phấn chấn với phương pháp nuôi lợn ăn chuối, lợn ăn chay, dược liệu... Thực tế phương pháp này bà con nông dân đã áp dụng từ lâu nhưng chỉ với quy mô nhỏ. Gần đây, đã xuất hiện những gia đình nuôi vài chục đến hàng trăm con bằng phương pháp cho lợn ăn chay và cho hiệu quả cao.

Điển hình mô hình chăn nuôi lợn rất độc đáo nữa là của anh Trần Nam Giang ở Hà Tĩnh được nhiều người biết đến nhờ thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng bằng thảo dược, cây thuốc nam.

Nhận thấy được tiềm năng phát triển từ việc nuôi lợn rừng, sau quá trình tìm hiểu, anh Giang quyết định nuôi lợn rừng với mong muốn tạo ra bước đột phá mới xây dựng được một mô hình hiệu quả để cải thiện kinh tế gia đình.

Khi mới khởi nghiệp vào nuôi lợn, anh Giang nhờ bạn bè mua 4 con lợn nái và một con đực ở biên giới Việt Lào, mỗi con giá hơn 10 triệu đồng. Bắt đầu nuôi 4 con lợn nái và một con lợn đực, rồi cho chúng phối giống tự nhiên. Từ đó lợn nái sẽ sinh con, và bây giờ mỗi năm gia đình anh bán ra hàng trăm con lợn thịt.

Để đàn lợn phát triển mạnh khỏe và cho kinh tế cao, anh Giang đã lên mạng tìm hiểu các thông tin về các loài cây dược liệu, cây thuốc nam ở rừng có thể giúp lợn kháng bệnh, tiêu hóa và phát triển tốt.

Tận dụng khu vườn 3 ha, anh Giang trồng tới 700 cây mít, hàng trăm cây chuối, cây chè cỏ, lá sung,... để làm thức ăn cho lợn rừng.

Chăm lợn rừng cũng khá vất vả, mỗi ngày anh Giang cho lợn ăn hai lần, có cả tinh bột nhưng chủ yếu là từ lá cây, thức ăn tự nhiên như mít, chuối, chè cỏ, lá sung, củ mài, cây thuốc nam. Những thức ăn này giúp thịt lợn rừng ngon hơn vì chứa nhiều khoáng chất. Đặc biệt, chuối sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của lợn. "Hằng ngày sau giờ hành chính ở xã, tôi lại tất bật về chăm lợn rừng, vừa tìm thêm niềm vui, vừa có thêm thu nhập cho gia đình”, anh Nam Giang chia sẻ.

Đàn lợn rừng được ăn chuối và các loại cây thuốc nam.

Nói thêm về khu vực nuôi lợn rừng, anh nông dân này nhận thấy khu vực đồi núi thích hợp để lợn rừng phát triển. Với hình thức chăn nuôi bán hoang dã, lợn thả rông nên những con vật này có sức đề kháng tốt, sinh sôi nảy nở.

Không chỉ nuôi lợn thịt, anh Giang còn nuôi thêm 20 con lợn nái. Mỗi năm, lợn rừng sinh hai lứa lợn con. Trung bình, mỗi con lợn nái sẽ đẻ khoảng 10 con lợn con/lứa.

“Năm nào tôi cũng bán ra khoảng 200 con lợn thịt. Để đạt độ ngon, lợn phải nuôi được trên một năm mới cho xuất chuồng. Mỗi con nặng khoảng 40kg, mỗi kg lợn hơi bán ra thị trường từ 160.000 đồng đến 180.000 đồng/kg. Như vậy, hằng năm mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng về cho gia đình. Tôi rất hứng thú với công việc này”, anh Nam Giang nói.

Lợn rừng được nuôi theo phương phát dân dã cho ăn những lá cây dược liệu để phát triển khỏe mạnh và chất lượng thịt thơm ngon và giá khá đắt đỏ.

Trao đổi với Thương hiệu & Sản phẩm, về đầu ra thị trường, chủ trang trại lợn cho hay, đầu ra tương đối ổn định, khách mua chủ yếu là khách có điều kiện.

Thời gian qua, những mô hình nuôi lợn theo kiểu ăn chay nhằm tận dụng lợi thế của địa phương. Hiện nay, ở những vùng nông thôn người dân xây dựng các vùng cây trồng quy mô lớn, sau thu hoạch phụ phẩm rất nhiều. Nếu tận dụng được các phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi sẽ giúp giảm chi phí, thịt lợn cũng có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.

Cách phòng trừ bệnh cho lợn rừng

Báo Dân Tộc và Phát triển, có bài viết về cách phòng trừ bệnh cho lợn rừng

Lợn con: Khi mới sinh ra lợn chưa biết ăn dễ bị ốm, tiêu chảy. Bà con có thể sử dụng bài thuốc: 5 lá búp ổi non, một nhúm lá khổ sâm, một ít lá nhọ nồi, một ít lá phèn đen cho vào một chén nước giã nhỏ. Thực hiện giã nát và cho lợn con uống nước.

Lợn con đã biết ăn, hoặc lợn mẹ: Khi lợn bị tiêu chảy cần cho ăn trực tiếp lá khổ sâm, lá ổi và một ít lá nhọ nồi để lợn nhanh khỏi bệnh.

- Cần phải thường xuyên tẩy rửa, khử uế chuồng nuôi. Chuồng nuôi cần chia làm 2 ngăn, khi vệ sinh ta lùa heo sang ngăn còn lại. Sau khi đã vệ sinh, rửa khô ta lùa heo lại và vệ sinh nửa chuồng còn lại.

- Sau mỗi lứa nuôi, cần vệ sinh sạch sẽ chuồng và để chuồng nghỉ ngơi 3-5 ngày trước khi thả lứa tiếp theo.

- Một lưu ý nữa là lợn mới mua về cần phải nhốt ở khu vực riêng khoảng nửa tháng trước khi cho nhập đàn. Cùng với đó là hạn chế người và vật lạ vào khu vực nuôi, tránh làm lợn hoảng loạn và cũng ngăn đưa mầm bệnh vào trong chuồng nuôi.

Vắc-xin và tiêm phòng cho lợn rừng

– Sau khi tiến hành tiêm vắc xin, lợn chưa có khả năng miễn dịch ngay. Khoảng 7-21 ngày sau mới có thể miễn dịch (tùy từng loại vắc xin).

– Mỗi loại vắc xin chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian nhất định. Nên bà con cần định kỳ tiêm nhắc lại.

– Trước khi lợn sinh khoảng một tháng, thực hiện tiêm vắc xin Ecoli phù đầu lần một để phòng chống lợn con bị đi ngoài. Nếu 25 ngày sau mà lợn chưa đẻ thì bà con tiêm nhắc lại lần 2.

– Lợn con mới sinh xong, cần cho uống lactomin (men tiêu hóa) 1 gói/đàn.

Trúc Chi (t/h)