Đời sống

Anh nông dân nhẹ nhàng thu tiền tỷ nhờ nuôi con vật "ngày ngủ, đêm ăn" dân nhậu thích mê

Nuôi con "đặc sản" dân nhậu thích mê, tiêu thụ dễ, giá bán đắt đỏ, trong khi thức ăn lại rẻ và dễ kiếm nên anh nông dân này nhẹ nhàng thu "một vốn bốn lời".

Chồn hương là loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng. Theo đó, anh Nguyễn Văn Đức ở Hà Tĩnh đầu tư trang trại chăn nuôi hơn 500 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán giống.

Mô hình làm giàu từ nuôi chồn hương nhận được sự chú ý.

Tiết lộ với Nông Nghiệp về quyết định khởi nghiệp với chồn hương, anh Đức cho biết, năm 2019, tình cờ phát hiện mô hình nuôi chồn hương ở Tp.HCM có triển vọng nên anh đã tìm hiểu. Với quyết tâm làm giàu ở địa phương anh đã mạnh dạn mua 50 con giống về nuôi. So với các vật nuôi khác, chồn hương có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng ngày càng lớn. Vì thế, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất tốt.

Sau một thời gian "bén duyên" khởi nghiệp với con vật "vừa lạ vừa quen" này, đàn chồn hương của anh Đức ngày càng sinh sôi, phát triển. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật nuôi nên năm 2022, anh bán ra thị trường hơn 600 cặp chồn baby. Những năm sau dự kiến bán khoảng 1.500 con giống, ước lãi tiền tỷ.

Thức ăn cho chồn hương khá đơn giản.

Chồn hương là loài động vật hoang dã dễ nuôi, giá thành cao và ít bị dịch bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Anh nông dân này nhấn mạnh, đối với chuồng nuôi chồn, phải có hệ thống giữ ấm vào mùa đông, phun sương chống nóng vào mùa hè, đảm bảo nhiệt độ khu vực chuồng nuôi luôn ổn định.

Trại nuôi chồn hương của anh Đức được đầu tư bài bản mỗi lồng khoảng 1m2. Trung bình một ngày mỗi con chồn chỉ mất khoảng 3.000 - 4.000 đồng mua thức ăn. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối, cá rô phi… Không những vậy anh tận dụng diện tích vườn đồi để trồng chuối nhằm giảm chi phí trong chăn nuôi.

Chồn hương giá bán khá đắt đỏ nên đầu tư bài bản trang trại thường cho doanh thu cao.

Chia sẻ thêm về bí quyết làm giàu của mình, anh Đức cho biết, mô hình chăn nuôi chồn hương hiệu quả rất tốt. Kỹ thuật nuôi chồn không khó. Quan trọng nhất là khâu ăn uống, vệ sinh chuồng trại. So với các mô hình chăn nuôi khác thì chồn hương cho thu nhập cao. Thời gian qua, anh Đức đã cung cấp giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông dân khác nhân rộng mô hình này.

Điển hình là anh Trần Hậu Tuệ tại Hà Tĩnh, sau khi tham quan mô hình nuôi chồn của anh Đức đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 250 ô chuồng trên diện tích 300m2 để nuôi hơn 120 con chồn nái và chồn con. Anh cho biết, chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, đồng thời sát khuẩn chuồng từ 1 - 2 lần/tuần. 

Thịt chồn có giá bán cao nhưng chi phí nuôi chồn hương lại rất thấp. Theo đó, anh Tuệ cho biết, một con chồn mẹ có thời gian mang thai 54 - 60 ngày, mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con. Chồn con nuôi khoảng 2 tháng có trọng lượng từ 0,6 - 1kg, bán với giá 1,8 - 2,2 triệu đồng/kg. Chồn giống nuôi 8 tháng có giá trung bình từ 10 triệu đồng/cặp.

Chồn hương không chỉ nổi tiếng bởi cafe chồn mà thịt chồn hương cũng được dân sành ẩm thực yêu thích mê. Món ngon từ con chồn hương không chỉ có hương vị độc đáo kèm theo giá trị dinh dưỡng rất cao vì giàu chất đạm, ít béo rất tốt cho sức khoẻ của người trung niên và cao tuổi. Đặc biệt, thịt chồn hương ngon, mềm, ngọt, da và xương chồn được sử dụng như một loại dược liệu trong y học cổ truyền: Công dụng thanh nhiệt giải độc hiệu quả; Giảm đau, tiêu viêm, tiêu sưng cho các chấn thương; Giàu chất dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân sau khi ốm mới khoẻ lại...

Theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì Chồn hương thuộc danh mục IIB – Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ.

Do đó, khi nuôi chồn hương, cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương. Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để nuôi chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính của chồn hương để áp dụng các kỹ thuật phối giống, chăm sóc con. Đồng thời người chăn nuôi cần phải mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh.

Trúc Chi (t/h)