Đời sống

Anh nông dân kiếm 3,5 tỷ/năm nhờ trồng cây quen thuộc theo cách "lạ"

Một anh nông dân "bỏ phố về quê" làm kinh tế mới đã trồng một loại cây quen thuộc và sau một thời gian có doanh thu đáng ngưỡng mộ, lên đến 3,5 tỷ đồng/năm.

Cây sầu riêng đã bám rễ trên vùng đất Lâm Đồng từ nhiều thập niên về trước. Thời gian gần đây, sầu riêng được mùa, được giá, nông dân vui mừng khi lãi tiền tỷ mỗi hecta. Nhờ giá thu mua trên thị trường khả quan, nên vài năm trở lại đây, loại cây trồng này mới được nhiều nông hộ trong tỉnh tập trung phát triển thực sự bài bản.

Tại vùng đất Lâm Đồng có một nông dân kiếm 3,5 tỷ/năm nhờ trồng sầu riêng thu hút sự chú ý. Cụ thể, vùng đất xã Liên Hà, Lâm Hà, Lâm Đồng là đất kinh tế mới của người Hà Nội tại cao nguyên. Nơi đây cây trồng chính của bà con từ nhiều năm nay là cà phê. Cũng tại nơi đây có một vườn sầu riêng cổ thụ đã góp phần vào thay đổi cơ cấu cây trồng của người nông dân.

Nông dân Phạm Văn Nghĩa có doanh thu tiền tỷ nhờ trồng sầu riêng. Ảnh: Báo Dân Việt.

Anh nông dân làm kinh tế giỏi nhắc đến ở đây là gia đình anh Phạm Văn Nghĩa. Tiết lộ về cái duyên đến vùng đất này lập nghiệp, anh Nghĩa cho hay vào định cư tại thôn Liên Hồ, xã Liên Hà năm 2011. Thuở ban cùng "bỏ phố về quê" làm kinh tế, anh nông dân thấy khu vực này bà con nông dân như độc canh cây cà phê. Tuy nhiên mảnh đất gia đình anh mua lại có sẵn 100 cây sầu riêng đã trưởng thành, cây rất to, rợp bóng. Khi xuống tiền mua mảnh đất này anh Nghĩa cũng không hỏi kỹ tuổi của cây sầu riêng nhưng lúc đó, vườn sầu riêng đã rất to, cao và cho quả hằng năm.

Thấy loại cây hoa quả này có tiềm năng gia đình anh quyết trồng thêm 150 cây sầu riêng trong diện tích với 2,3 ha. “Điều rất may mắn là những cây sầu riêng lớn được trồng sẵn cũng thuộc giống sầu riêng chuẩn, giống Dona, giống được các nhà khoa học nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên canh tác. Vì vậy, vườn sầu riêng nhà tôi dù cây mới hay cây cũ đều trồng thuần giống, mang lại hiệu quả rất tốt vì kỹ thuật chăm sóc giống nhau, chất lượng trái sầu riêng cũng đồng nhất. Sau khi 150 cây trồng sau cho trái, cả vườn sầu riêng đạt 250 cây đều cùng một giống”, ông Phạm Văn Nghĩa chia sẻ với báo Dân Việt.

Từ người không có kinh nghiệm về trồng sầu riêng, đến nay sau nhiều năm chăm chỉ học hỏi đút rút kinh nghiệm, anh Nghĩa nhận xét, cây sầu riêng khó chăm sóc tại giai đoạn mới trồng, giai đoạn kiến thiết, sau khi cây đã trưởng thành, việc chăm sóc nhàn hơn rất nhiều. Với loại cây trồng này bà con cần chú ý tới chế độ nước bởi chế độ nước ảnh hưởng rất lớn tới việc ra hoa, đậu quả. Đặc biệt với những cây trên 10, 12 năm tuổi, chế độ chăm sóc rất nhàn, chủ yếu quan tâm tới lượng phân hữu cơ...

Sầu riêng là loại quả đặc sản có giá khá đắt đỏ.

Nói thêm về bí quyết làm giàu tại vùng đất mới, anh nông dân này khẳng định, khi trồng sầu riêng, quan trọng nhất là người nông dân phải chọn được giống chuẩn.

"Trời không phụ công", sau bao năm lập nghiệp ở mảnh đất mới, mùa thu hoạch sầu riêng 2023, gia đình anh Nghĩa thu được 70 tấn trái với giá trị 3,5 tỷ đồng. Với doanh thu "khủng" như hiện tại anh Nghĩa đánh giá, với hiện trạng nông nghiệp địa phương, không có giống cây trồng nào có giá trị cao như cây sầu riêng.

Nhận thấy cây sầu riêng đem lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình, anh Nghĩa cùng với những nông dân khác đang tích cực tìm hiểu nội dung xây dựng mã số vùng trồng, tích cực đoàn kết, chia sẻ thông tin để bà con trong tổ hợp tác canh tác sầu riêng ổn định, hình thành vùng trồng an toàn, trồng được trái sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại nguồn thu ổn định cho người nông dân tại địa phương.

Cách trồng sầu riêng đạt năng suất tốt

Theo Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, để cây sầu riêng phát triển tốt, bà con nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khoẻ mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái. Tuỳ theo thực tế mà có nhiều phương thức trồng như trồng thuần hay trồng xen.

+ Nếu trồng thuần: 125 cây – 156 cây/ha ( 8m x 8 –10m/cây)

+ Nếu trồng xen: 70 cây – 100 cây/ha (10m x 12m/cây)

+ Kích thước hố: Đất tốt thì 60 x 60 x 60cm; Đất xấu thì 70 x 70 x 70cm.

+ Bón lót: 15 – 20kg hữu cơ + 0,5kg super Lân + 200g NPK 16-16-8/hố,
10-20g Diazinon (Basudin 10G), Carbofuran (furadan 3G),… để trừ mối, dế, kiến và sâu đất.

+ Đảo trộn hỗn hợp đất và phân sau đó lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày.

+ Vun mu rùa xung quanh gốc cây chống đọng nước.

+ Sau đó phủ kín cỏ rác để giữ ẩm cho cây.

Xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến năm 2023

Tiền năng xuất khẩu sầu riêng trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tới 24 thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm qua tăng cao, đã góp phần lớn vào kết quả xuất khẩu 5,6 tỷ USD toàn ngành rau quả.

Theo số liệu trên Truyền Hình Quốc hội Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, lượng sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy xuất khẩu cũng tăng mạnh…

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này của nước ta.

Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025.

Dự báo năm 2024 và nhiều năm kế tiếp, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây đặc sản giá trị cao của nước ta.

Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, sầu riêng Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, tập trung vào các khâu: Bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.

Trúc Chi (t/h)