Đời sống

Anh nông dân "bỏ phố về quê", nuôi con quen thuộc nhẹ nhàng đút túi 10 tỷ đồng

Với quyết tâm làm giàu và không ngại khó, anh nông dân ở Lâm Đồng có trang trại quy mô gần 13.000m2 với 80 bể nuôi loại cá "quen thuộc" giá đắt đỏ.

Với mong muốn làm giàu từ nông nghiệp, anh Huỳnh Ngọc Thu, sinh năm 1980, quê ở Tp.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã lên "miền đất hứa" ở Lâm Đồng tìm kiếm cơ hội "vàng" với nghề nuôi cá tầm. 

Tiết lộ về bí quyết khởi nghiệp với báo Quân Đội Nhân Dân, anh Ngọc Thu cho hay, từng tiếp xúc với các chuyên gia người Nga, anh Thu hiểu rõ tiềm năng, giá trị của con cá tầm cũng như yêu cầu khắt khe khi nuôi loại thủy sản này. Sau nhiều chuyến khảo sát đánh giá khí hậu, nguồn nước, năm 2015, anh quyết định chọn xã Rô Men để xây dựng trang trại cá tầm. Hiện nay, ngoài vai trò là chủ trang trại cá tầm của gia đình, anh còn là Giám đốc Hợp tác xã cá tầm Huỳnh Ngọc Thu với 6 thành viên.

Làm bể trên cạn nuôi cá tầm thoạt nhìn như "tàu ngầm mi ni", anh nông dân nhẹ nhàng thu lãi tiền tỷ từ mô hình nuôi cá tầm. Ảnh: Báo Quân Đội Nhân Dân.

Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2012 với tâm thế quyết tâm làm giàu và không ngại khó, hiện anh nông dân này có trang trại quy mô gần 13.000m2, gồm 80 bể nuôi cá tầm được xây bằng xi măng kiên cố, nhà chứa bồn để ươm cá tầm bột, nhà máy sản xuất thức ăn, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước, nhà nghỉ và làm việc của công nhân..., với tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Mỗi năm, trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn cá tầm, chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam, tổng doanh thu 10 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 5 tỷ đồng.

Anh Huỳnh Ngọc Thu nhấn mạnh, hiện giá cá tầm giống khoảng 15.000 đồng/con, thời gian nuôi từ khi nhập cá giống đến lúc xuất bán là 15 tháng. Tuy nhiên, trang trại tự nhập trứng và ấp nở cá giống. Ngoài ra, trang trại còn đầu tư nhà xưởng, mua nguyên liệu như ngô, bột cá, rau... để chế biến thức ăn cho cá, qua đó góp phần giảm chi phí đầu vào, chủ động nguồn thức ăn, bảo đảm dinh dưỡng, hạn chế các loại dịch bệnh, giảm rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.

Anh nông dân nhẹ nhàng thu tiền tỷ từ mô hình nuôi cá tầm ở Lâm Đồng thu hút sự chú ý. Tại trang trại cá tầm Huỳnh Ngọc Thu, khách có thể chứng kiến quy trình chăn nuôi cá tầm khép kín, hiện đại, từ khâu ươm trứng đến nuôi thương phẩm và bảo tồn giống với những đàn cá đủ kích cỡ, từ nhỏ như chiếc tăm đến trung bình, thậm chí có những con nặng 50-60kg.

Thông thường cá tầm là loại cá nước ngọt xuất xứ từ vùng ôn đới, chỉ tồn tại và phát triển tốt trong điều kiện thích hợp. Vùng Rô Men có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, diện tích rừng còn nhiều, có suối nước mát chảy về từ núi cao với dòng chảy tương đối lớn, ổn định, nhiệt độ nước khoảng 25 độ C, phù hợp để nuôi các loài cá nước lạnh, trong đó có cá tầm. Dù vậy, trang trại vẫn xây dựng hệ thống dẫn nước từ suối về bể, tiến hành lắng lọc, khử khuẩn, sau đó mới cung cấp tới các bể nuôi.

“Ngoài yếu tố nhiệt độ thì nguồn nước phải ổn định, bảo đảm các tiêu chuẩn về lý hóa. Do đó, hằng ngày chúng tôi phải kiểm soát nguồn nước chặt chẽ. Có lần lũ đổ về bất ngờ, trang trại không kịp xử lý, cá bị sốc chết hàng loạt, vậy là mất trắng”, anh Huỳnh Ngọc Thu cho biết.

Cá tầm giá khá đắt đỏ.

Không ngần ngại chia sẻ bí quyết làm giàu của mình, anh Huỳnh Ngọc Thu cho hay, do điều kiện chăn nuôi khá đặc thù nên tại Việt Nam, người nuôi cá tầm vẫn có lợi thế về thị trường và giá cả. Hầu hết cá tầm tại trang trại của gia đình anh Thu và các hộ tại xã Rô Men được tiêu thụ tốt tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Với giá bán khoảng 220.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi có thể đạt lợi nhuận khoảng 50%, tương đương 110.000 đồng/kg sau khi trừ mọi chi phí.

Chia sẻ về nghề nuôi cá tầm tại quê hương, ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men cho hay, toàn xã có diện tích tự nhiên khoảng 12.800ha, 1.500 hộ và hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 51% là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Với lợi thế rừng đầu nguồn và nguồn nước dồi dào, Rô Men có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh nói chung và nuôi cá tầm nói riêng. Hiện xã đang có 45 hộ nuôi cá tầm với tổng diện tích mặt nước khoảng 9,5ha, trong đó có hai hợp tác xã, gồm Hợp tác xã Huỳnh Ngọc Thu và Hợp tác xã Việt Đức.

Nhờ lợi thế khí hậu mát mẻ và nguồn nước lạnh dồi dào, những năm gần đây, nghề nuôi cá tầm phát triển mạnh tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Nhiều hộ dân có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ mô hình này.

Gợi ý bà con kỹ thuật nuôi cá tầm đạt hiệu quả kinh tế cao

Làm giàu bằng nghề nuôi cá tầm không khó nếu biết cách.

Cá tầm là một loài cá được người ăn ưa chuộng nên thường sử dụng trong các nhà hàng sang trọng vì thịt thơm ngon. Loại cá này được nuôi nhiều trong bể xi măng ở các vùng nước lạnh, mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Do đó, để tối ưu hóa về năng suất, người nuôi cần chú ý đên kỹ thuật nuôi như con giống, môi trường, phòng bệnh.... để có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Thông thường cá tầm sống trong môi trường nước lạnh, sạch và oxy hòa tan cao. Nhiệt độ nước phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cá tầm từ 18 - 27 độ C. Vì vậy, hầu hết các tỉnh trung du miền núi ở nước ta, nơi có diện tích hồ chứa lớn, đều có thể tận dụng để nuôi thương phẩm cá tầm.

Cá tầm là loài cá ăn ở tầng đáy, thức ăn của chúng chủ yếu là các loài động vật giáp xác, nhuyễn thể, giun tơ, ấu trùng côn trùng và cá nhỏ. Trong điều kiện nuôi hiện nay, cá tầm chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp và một phần là tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên. Để nuôi cá tầm hiệu quả cao người nuôi cần lưu ý:

- Lựa chọn vị trí đặt lồng nuôi cá tầm: Vị trí đặt lồng nuôi cá tầm phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; không bị ảnh hưởng bởi lũ, không gần cửa đập và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm; lựa chọn nơi có dòng chảy nhẹ, có độ sâu cách đáy lồng lúc mực nước thấp nhất >10 m. Những vùng thuận lợi cho việc neo giữ lồng. Nguồn nước sạch, mát, nhiệt độ nước tại khu đặt lồng bè phải đảm bảo dao động trong năm từ 18 - 27độC, pH từ 6,5 - 8; oxy hòa tan trong nước > 5 mg/l.

- Biết cách chọn giống và thả giống: Cá tầm giống phải có kích cỡ đồng đều từ 50 - 100 gr/con. Cá khỏe, phản xạ nhanh, màu sắc bóng bẩy, không bị trầy xước, không có dấu hiệu bị các bệnh ký sinh trùng, miệng không bị sưng, bụng không bị chướng hơi tỉ lệ dị hình nhỏ hơn 2%, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Mật độ thả giống: 15 - 25 con/m khối. Thời điểm thích hợp thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa.

- Không có những bất thường về nguồn nước: Lưu ý trước khi thả cần ngâm bao cá giống xuống nước trong lồng khoảng 15 - 20 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong bao và bên ngoài môi trường nước. Sau đó mở miệng bao, cho nước từ từ vào bao để cá trong bao tự bơi ra ngoài. Trong ngày đầu, không cho ăn để cá thích nghi với môi trường mới. Thường xuyên kiểm tra, vớt bỏ cá chết.

- Thức ăn cho cá tầm: Thức ăn công nghiệp cho cá tầm nuôi thương phẩm là thức ăn khô ép viên chìm do các nhà máy chế biến theo dây chuyền công nghiệp, thức ăn có nhiều kích cỡ và chất lượng khác nhau phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá, đảm bảo độ đạm trên 35%. Cá tầm là loài ăn đáy và độ sâu của lồng trên 4 m. Vì vậy yêu cầu thức ăn phải có độ bền lâu trong nước trên 1 giờ.

+ Thời điểm cho ăn: Khi cho cá tầm ăn trong ngày phụ thuộc vào lứa tuổi của cá và tập tính ăn của cá. Người chăn nuôi thường cho cá ăn 4 lần/ngày, thức ăn được chia làm 4 phần, cho cá ăn vào 8 - 9 giờ sáng, 13 - 14 giờ chiều, 18 - 19 giờ tối và 22 - 23 giờ đêm (nên cho ăn nhiều hơn vào buổi chiều và đêm). Sau khoảng 30 - 40 phút, người nuôi kéo sàng ăn lên để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của cá; đồng thời, quan sát các hoạt động của cá, mức độ căng của bụng cá để có căn cứ điều chỉnh thức ăn của cá tầm cho phù hợp.

+ Lưu ý khi trời mưa, nước trong hồ sẽ bị đục nên dừng không cho cá ăn, nếu mưa kéo dài cần giảm thức ăn 30 - 50% so bình thường.

+ Chú ý điều chỉnh khẩu phần ăn: Định kỳ 20 - 30 ngày kiểm tra mẫu cá một lần để xác định cỡ trung bình và tổng khối lượng cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho giai đoạn tiếp theo.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, sau thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng, khi cá tầm đạt kích cỡ từ 1,8 kg/con trở lên tiến hành thu tỉa hoặc thu toàn bộ. Cá tầm thương phẩm trước khi vận chuyển phải ngừng cho ăn trước một ngày. Quá trình vận chuyển cá tầm thương phẩm dụng cụ vận chuyển phải đủ rộng để tránh cho cá không bị cong thân hay bị tổn thương.

Trúc Chi (t/h)