Tiêu dùng & Dư luận

Ảnh hưởng của Covid-19: Nhà hàng đóng cửa, bán online, điện máy giảm giá chờ khách đến

Các hoạt động kinh doanh của các nhà hàng đều phải dừng lại, nên nhiều tiểu thương đành phải đăng lên chợ mạng để bán lẻ.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng, các nhà hàng, khách sạn đều phải đóng cửa, các hộ kinh doanh hải sản lâm vào cảnh ế ẩm chưa từng có. Các loại hải sản nhà giàu siêu đắt vốn tiêu thụ tốt trở thành mối lo ngại. Bất đắc dĩ, các chủ nhà hàng phải rao bán chúng trên các trang mạng như: Cua hoàng đế, tôm hùm, tôm Alaska, bào ngư,…

Vì dịch bệnh nên đa số người dân đều hạn chế việc chi tiêu, nhất là các thực phẩm sang trọng như này. Lượng khách hàng chỉ bằng 1/10 so với các ngày bình thường. Mặc dù công khai giá và giảm hàng trăm nghìn đồng/sản phẩm, thế nhưng lượng mua chỉ tính trên đầu ngón tay. 

Cua Hoàng Đế cũng giảm mạnh, 600.000 - 800.000 đồng/kg. (Ảnh Mộc Miên - GĐ&XH)

Trao đổi với Vietnamnet, chị Đặng Thị Ngọc Dương – quản lý một nhà hàng hải sản ở Trần Nhân Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, thời điểm này rất nhiều loại hải sản cao cấp giảm giá mạnh, một số loại giá rẻ chưa từng có.

Theo chị Dương, dịch Covid-19 khiến dịch vụ khách sạn, nhà hàng gần như "tê liệt", lượng hải sản tiêu thụ mỗi ngày giảm mạnh. Nguồn cung dư thừa, thị trường ế ẩm dẫn đến các mặt hàng hải sản trong nước và nhập khẩu đều đồng loạt giảm giá khủng.

Theo báo Giadinh.net, hiện nay, trên các trang chợ online, tôm hùm Alaska tươi sống có giá dao động 850.000 - 900.000 đồng/kg, Tôm hùm Baby có giá khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh có giá 3 - 3,2 triệu đồng/kg, tôm hùm Bông đỏ có giá khoảng 1,8 triệu đồng/kg, cua hoàng đế có giá 1,8 - 1,9 triệu đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc có giá 950.000 – 1 triệu/ kg, bào ngư Australia có giá 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg.

Đối mặt với những khó khăn do Covid-19 gây ra, ngoài việc các cửa hàng rơi vào thảm cảnh thì nhiều siêu thị và cửa hàng điện máy đang nhức đầu bởi hàng tồn kho tăng cao.

Thời gian qua, nhiều siêu thị điện máy đóng cửa tạm thời theo quy định giãn cách tại các thành phố lớn, việc bán hàng online cũng không hiệu quả, loạt các siêu thị điện máy đã tung ra chương trình khuyến mại, giảm giá lên đến 80% các sản phẩm hàng tồn.

Các doanh nghiệp cho biết hiện nay đã phải đại hạ giá rất nhiều sản phẩm để đẩy hàng tồn kho, nhưng không thể nào giải quyết được. Thống kê chung, tivi giảm giá từ 30 - 50%, máy giặt giảm từ 30%, máy điều hòa không khí giảm 15%, giá tủ lạnh giảm từ 10 - 30%, các sản phẩm thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35 - 41%...

Hàng tồn kho tăng nhưng không thể chuyển về các tỉnh, nơi siêu thị điện máy vẫn hoạt động vì không thuộc "luồng xanh", không được ra khỏi Hà Nội. Một số mặt hàng gia dụng như laptop, điều hòa, tủ lạnh, tủ đông thuộc top khách hàng đặt mua nhưng đơn hàng online lại vướng khâu vận chuyển do quy định vận chuyển bị siết chặt, cửa hàng thiếu lực lượng chuyên chở và lắp đặt, nên không thể giao hàng.

Dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp gây khó khăn đến đời sống người dân, việc cắt giảm chi tiêu là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, người dân chuyển sang mua sắm online nhiều hơn. Vì vậy, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp phải thay đổi để kịp thích ứng với xu hướng mới.

Min (Tổng hợp từ Dân Việt/Gia đình.net/VN Economy)

Covid-19 xuất hiện, các siêu thị điện máy phải đóng cửa. (Ảnh VN Economy)