Tiêu điểm thế giới

Nhắc đến "kẻ thù" và "bạn bè", ông Putin có ẩn ý gì trong bài phát biểu "định hình" nước Nga?

Thông điệp Liên bang 2019 của ông Putin có ý nghĩa sâu xa hơn những gì mà nhà lãnh đạo Nga thể hiện khi 2 cái tên Mỹ và Trung Quốc được nhắc đến.

Tổng thống Putin trong Thông điệp Liên bang 2019.

 

Thông điệp Liên bang mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra năm nay không chỉ là bài phát biểu gói gọn những vấn đề bên trong nước Nga mà còn đặt ra hướng đi đối ngoại và tái khẳng định việc từ chối thỏa hiệp chủ quyền với phương Tây.

Theo Sputnik, Thông điệp Liên bang năm nay được ông Putin trình bày ở tòa nhà Gostiny Dvor mới khai trương thay vì tòa nhà quốc hội, điều cho thấy ý nghĩa khác biệt của bài phát biểu.

Một tuần trước khi sự kiện diễn ra, trợ lý thân tín của ông Putin, Vladislav Surkov đã đăng tải một bài viết trên tờ Nezavisimaya Gazeta. "Chúng ta cần ghi nhận, thấu hiểu và mô tả về hệ thống Chính phủ Putin là hệ tư tưởng của tương lai", ông Surkov viết, thể hiện sự quan tâm của chính quyền về tầm vóc, vị thế quốc tế và trật tự chính trị của nước Nga trong thời kỳ hậu Putin”.

Tờ Sputnik nhận định, thông điệp của Surkov rõ ràng là nhằm mở đường cho bài phát biểu năm nay của ông Putin. Thông điệp Liên bang 2019 không chỉ tóm tắt những thành tựu của đất nước trong năm qua, mà còn tuyên bố hướng đi trong 5 năm tới. Bài phát biểu này cũng tiết lộ sự tự tin và kỳ vọng của Nga trong việc duy trì vị thế cường quốc toàn cầu bất chấp việc đang đối mặt các vấn đề kinh tế nghiêm trọng trong nước.

Về chính sách đối ngoại, ông Putin nhấn mạnh rằng: "Nga đã và sẽ luôn là một quốc gia có chủ quyền và độc lập". Giới tinh hoa Nga từ lâu luôn có niềm tin mạnh mẽ về việc đất nước của họ sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền ngoại trừ khoảng thời gian hỗn loạn sau hậu quả của sự tan rã của Liên Xô. Họ thường tin rằng, chỉ có một vài quốc gia như Nga, Mỹ và Trung Quốc có thể được xem là những quốc gia có chủ quyền hoàn toàn.

Sự nhấn mạnh của Tổng thống Putin về chủ quyền nhằm mục đích cho các cường quốc khác thấy Moscow sẽ không bao giờ thỏa hiệp về lập trường chủ quyền của quốc gia để đổi lại hỗ trợ kinh tế của các nước phương Tây.

Tiếp dẫn bài phát biểu, ông Putin sau đó đưa ra quan điểm của mình về chính sách đối ngoại của Nga sẽ tiếp diễn như thế nào. Đầu tiên, ông chỉ trích mạnh mẽ Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và kêu gọi đạt được sự cân bằng trong vũ khí chiến lược toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Nga đã dành khoảng 15 phút để nói về mối quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt là hậu quả của việc Mỹ rút đơn phương khỏi hiệp ước.

Moscow tin rằng Washington nên mang tới bằng chứng thuyết phục thay vì "đưa ra những lời buộc tội sâu rộng chống lại Nga" để biện minh cho việc rút khỏi cam kết nhiều thập kỷ của mình.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng khẳng định Mỹ mới là bên vi phạm hiệp ước bằng cách "triển khai các hệ thống phóng Mk-41 có thể chuyển đổi sang để sử dụng tên lửa hành trình tầm trung Tomahawk", nhưng lại đi cáo buộc ngược lại Nga đã làm sai.

Năm thứ ba liên tiếp ông Putin ca ngợi quan hệ Nga-Trung trong thông điệp liên bang.

Tuy nhiên, những hậu quả của việc Washington rút khỏi hiệp ước đối với Moscow thực sự không quá nghiêm trọng như giới phân tích nhìn nhận.

Trong tuyên bố của mình, ông Putin muốn diễn giải rằng, ở một mức độ nào đó, Nga tự tin có vũ khí chiến lược có thể ngăn chặn kẻ thù tiềm năng và hệ thống tên lửa mạnh mẽ có thể bảo vệ chống lại các cuộc tấn công tên lửa của NATO.

Thứ hai, Moscow hy vọng sẽ trở thành một cường quốc khu vực có ảnh hưởng ở Á-Âu và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị đến rìa lục địa thông qua Hiệp định Đối tác Á-Âu.

Ông Putin cũng nhấn mạnh về việc Nga sẽ "tiếp tục tạo ra thị trường chung và nỗ lực tiếp cận cộng đồng" với "các đối tác hội nhập trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU)" và "điều phối các hoạt động của EAEU với Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc".

Trung Á có thể rơi vào tình trạng bất ổn trong 5 năm tới. Những kẻ khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở lại có thể đặt ra những thách thức đáng kể cho khu vực. Ngoài ra, nhiều quốc gia tại đây sẽ chứng kiến ​​sự chuyển đổi lãnh đạo, điều này có thể dẫn đến xung đột giữa các giới tinh hoa chính trị.

Tình hình ở Trung Á là một thách thức quan trọng đối với ảnh hưởng khu vực của Nga, vì Moscow luôn ưu tiên Cộng đồng các quốc gia độc lập - bao gồm cả những nước ở Trung Á - trong ngoại giao. Tình hình hiện tại có thể thúc đẩy Nga tăng cường và thậm chí thể chế hóa Hiệp định Đối tác Á-Âu.

Thứ ba, ông Putin nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng "mối quan hệ bình đẳng và cùng có lợi của Nga với Trung Quốc hiện đang đóng vai trò là yếu tố quan trọng cho sự ổn định trong các vấn đề quốc tế và an ninh Á-Âu; đưa ra một mô hình hợp tác kinh tế sản xuất".

“Hướng Đông” vẫn sẽ là hướng đi không thể lay chuyển trong ngoại giao của Moscow. Do đó, củng cố quan hệ Nga-Trung là chìa khóa cho sự phát triển của Nga ở Viễn Đông và hội nhập vào vòng tròn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Năm thứ ba liên tiếp kể từ năm 2016, ông Putin đã ca ngợi mối quan hệ Nga-Trung trong Thông điệp Liên bang, cho thấy thái độ nhất quán của ông đối với quan hệ song phương. Năm nay là năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Moscow. Hai bên sẽ tổ chức các hoạt động để thúc đẩy hợp tác.

Kết lại, Thông điệp Liên bang của ông Putin muốn gợi ý rằng, Nga sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích cốt lõi của mình để đổi lấy sự ủng hộ không mấy thiện chí của phương Tây. Trong bối cảnh này, Nga luôn cần duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.