Văn hoá

Ấn tượng cà phê vợt gần 70 năm tuổi giữa lòng Tp.HCM

Với tuổi đời gần 70 năm, quán cà phê Vợt Ba Lù, đường Phùng Hưng, quận 5 không quá xa lạ đối với người dân Tp.HCM.

Quán cà phê vợt Ba Lù được mở bán từ 2h sáng đến 5h chiều. Khách ở đây đa phần là khách quen thuộc, là những tiểu thương ở chợ Phùng Hưng, những cô chú lớn tuổi người Việt gốc Hoa và những bạn trẻ tò mò, yêu thích hương vị cà phê xưa.

Khách của quán chủ yếu là "người Sài Gòn xưa".

Theo lời bà Chung Thị Hoàng, quán cà phê vợt Ba Lù do ba của bà mở cách đây nhiều năm. Ba của bà tên Lù, là con thứ, trong nhà và mọi người gọi là anh Ba Lù. Khi mở quán cũng chết danh quán cà phê Ba Lù từ đó.

Đến nay, quán được truyền lại cho chú Chung Quốc Hùng (49 tuổi) quản lý. Chú Hùng cho biết, khách quán trước đây chủ yếu là các ông bà quanh khu chợ và những người lớn tuổi. Giờ khách quán còn có thêm nhiều bạn trẻ thích thưởng thức hương cà phê xưa.

Cũng theo chú Hùng, trước đây quán chỉ phục vụ khách tại chỗ, giờ công nghệ phát triển, lại có nhiều khách ở xa thích thưởng thức thức uống cà phê mang hương vị xưa nên quán chú cũng bán hàng thông qua một số ứng dụng giao đồ ăn, thức uống.

Hương vị xưa và mọi công đoạn cho ra một ly cà phê thơm ngát điều làm thủ công, có lẽ đây chính là điểm đặc biệt khiến khách hàng thường xuyên ghé đến.

Bà Ba (82 tuổi) là vị khách quen thuộc đến đây uống hàng ngày chia sẻ: “Tôi đến quán cà phê này như một thói quen mỗi ngày. Thói quen uống cà phê, ngồi đọc báo đến nay tôi và nhiều ông bà vẫn còn gìn giữ. Càng đặc biệt hơn khi được thưởng thức cà phê nguyên vị như tại tiệm cà phê vợt Ba Lù”.

Không chỉ có bà Ba, nhiều khách hàng khi lần đầu tiên đến quán cũng ấn tượng với không gian quán và hương vị cà phê của quán Ba Lù. Uống dần thành quen, rồi khi không uống cà phê tại quán Ba Lù lại thấy nhớ.

Như chị Mỹ Uyên chia sẻ: “Tôi vô tình biết quán cà phê Ba Lù trong một lần đi chợ. Ấn tượng đầu tiên về quán là nét gần gũi trong cách bài trí, nhưng điều đặc biệt nhất khiến tôi nhiều lần quay lại quán này là hương vị cà phê xưa. Chính hương vị cà phê, cùng với khung cảnh bình yên của quán khiến tôi sống chậm lại, rũ bỏ bớt những bộn bề, hối hả của cuộc sống hằng ngày, tận hưởng sự bình yên của cuộc sống”.

Quán cà phê Ba Lù vẫn duy trì cách chế biến cà phê theo kiểu thủ công.

Quán cà phê Ba Lù vẫn duy trì cách chế biến cà phê theo kiểu thủ công như trước, nhưng công thức đã được thay đổi cho phù hợp theo từng giai đoạn và theo sở thích của khách hàng.

Để có một ly cà phê thơm ngon như thế thì phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đặc biệt trong đó là công đoạn rang cà phê.

Cứ nửa tháng quán Ba Lù sẽ lại rang cà phê, mỗi lần 2 mẻ, mỗi mẻ sẽ có những cách canh chỉnh thời gian khác nhau.

Theo chủ quán, để có được một thành phẩm ngon thì công đoạn đầu tiên là chọn hạt cà phê. Những hạt cà phê vàng và xanh đổ vào chảo sau đó đặt lên lò rồi rang. Rang 2 mẻ, mẻ đầu tiên rang trong vòng 60 – 90 phút; mẻ thứ 2 thì nhanh hơn, tầm 45 phút là xong.

“Khi rang quay đều tầm 10 vòng đảo chiều một lần, đến khi thơm mùi cà phê cháy thì bỏ một hũ bơ đồng tiền vào. Khi hạt đã chuyển sang màu đen thì mang xuống đổ ra rồi rắc rượu lên”, chú Hùng chia sẻ bí quyết.

Vị khách trẻ tuổi quen thuộc cạnh ly cà phê buổi sáng.

Cà phê rang xong sẽ có vị đắng, hạt hơi cứng và xốp. Nước cà phê được pha bằng vợt thường loãng chứ không sánh đặc.

Ly cà phê đen ở quán có mùi thơm ngào ngạt, khi đặt ra nắng sẽ ánh màu cánh gián. Khách uống cảm nhận được dư vị cà phê trong cuống họng sau khi vị ngọt của đường và sữa mất đi.

Đào Xuyến