Đối thoại

An toàn an ninh mạng là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Để yên tâm đi nhanh và an toàn hơn 

Sáng 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tham gia đặt câu hỏi, em Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm nêu: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?

Em Nguyễn Thành Trung, học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm.

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết, an toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.

Theo ông Dũng, trong 3 năm vừa qua Việt Nam đã có những thay đổi và bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp Việt Nam vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết việc phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.

Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn anh ninh mạng là: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng.

Nói thêm về giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng, ông Dũng cho biết Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng là bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng.

"Lớp thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối ở thiết bị mỗi người ngồi đây sử dụng cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau từ máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp cho thiết bị", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Bộ TT&TT đã cung cấp những tri thức thông tin về lớp bảo vệ này để người dân tự bảo vệ mình. Theo đó, có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn, tại đây Bộ tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời cũng cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.

"Chúng tôi cũng hy vọng thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng. Trước hết là tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng", ông Dũng chia sẻ. 

Người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích

Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn hỏi: Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?

Thông tin về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp nói chung đã là việc được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong 3 năm qua.

"Điểm đột phá là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai cho giai đoạn vừa rồi", ông Dũng nói và cho hay nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian qua, người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích.

Ông dẫn chứng số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với Ủy ban quốc gia là trong mùa tuyển sinh vừa qua có hơn 97% thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến thay vì trực tiếp bằng bản giấy. Có được như vậy là nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu, là nhờ xác thực Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Mỗi bạn trẻ ngồi đây đều có một tài khoản ngân hàng, có được tài khoản ngân hàng bây giờ rất dễ dàng, hơn hồi xưa rất nhiều. Thời xưa, có được tài khoản ngân hàng, thủ tục rất nhiều, phải ra tận nơi, có khi mất nửa buổi sáng, nhưng hiện nay, gần nhất tôi mở tài khoản ngân hàng chỉ mất 3 phút bằng điện thoại di động. Đây là thành tựu của nỗ lực mà chúng ta đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian qua", ông Dũng cho hay. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và đối thoại với thanh niên.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã thiết lập và vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện nay, có khoảng hơn 200 tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng này, trung bình, nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày.

Vì vậy, các doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang Thông tin điện tử của Cục Chuyển đổi số quốc gia để tìm hiểu quy định, quy trình thủ tục để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Để kết nối, chia sẻ dữ liệu, ông Dũng cho biết phải đáp ứng một số tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhất định ví dụ về bảo đảm an toàn an ninh mạng khi kết nối, hay câu chuyện bảo đảm dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.

Khi chưa tìm hiểu quy định, quy trình mà vẫn muốn kết nối dữ liệu thì Bộ TT&TT thời gian qua đã cùng các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy dữ liệu mở. Hiện nay, rất nhiều hộ tịch đã cung cấp dữ liệu mở trên trang dữ liệu mở của địa phương mình, trong đó hai địa phương làm đặc biệt tốt là Đà Nẵng và Tp.HCM.

"Các doanh nghiệp trẻ trước hết có thể lên khai thác ngay dữ liệu mở được các Bộ, ngành, địa phương cung cấp mà không cần đáp ứng điều kiện gì", ông Dũng nói.