Bình tĩnh sống

Ân tình "một miếng khi đói"... với người về cố hương

Trở về quê nhà để tránh dịch, nhiều người dân gặp nhiều khó khăn khi cách ly do không có tiền để thực hiện việc chi trả, cũng như ổn định cuộc sống.

Nỗi lo khi về quê

Do cuộc sống quá nghèo khổ, chỉ dựa vào nương rẫy không thể đủ ăn, vì vậy, sau khi ăn Tết xong, anh Hờ Tồng Xò cùng bạn rời bản Tiền Tiêu, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào tỉnh Bình Dương đi làm thuê tại một xưởng mộc. Thế nhưng chỉ mấy tháng sau, dịch Covid-19 bùng phát, anh Xò mất việc. Sống trong nhà trọ vài tuần, anh Xò tiêu hết số tiền đã kiếm được nên bắt đầu suy nghĩ đến việc trở về nhà.

Khu cách ly công dân trở về từ miền Nam ở huyện Kỳ Sơn.

Vào đầu tháng 8/2021, anh Hờ Tồng Xò may mắn được trở về quê nhà. Anh cùng 46 người khác cũng trở về từ các tỉnh phía Nam đang cách ly tại Trường Tiểu học Nậm Cắn 1. Chỗ ở được miễn phí, thế nhưng anh Xò cũng chẳng có tiền đóng phí ăn uống hằng ngày. Vì vậy, vợ anh, chị Mùa Y Sùa phải nấu cơm đưa ra khu cách ly cách nhà gần 2km cho chồng.

Chị Mùa Y Sùa cho hay: “Lúc anh Xò vào Bình Dương làm thuê, vợ chồng đứa con trai cũng vào theo làm công nhân nhà máy. Dịch Covid-19 bùng phát, mất việc làm, lo sợ dịch bệnh nên anh Xò quyết định đi xe máy về quê cùng những người khác. Nhưng 2 vợ chồng người con trai vẫn còn kẹt lại, không có xe để về”.

Anh Xò nhận đồ ăn vợ gửi gồm cơm trắng và đỗ luộc.

Từ khi chồng về cách ly tập trung ở gần nhà, chị Mùa Y Sùa nghỉ đi rẫy, ở nhà nấu cơm mang ra khu cách ly cho chồng. Thực đơn hàng ngày chị chuẩn bị chủ yếu cũng chỉ có cơm và một món rau nào đó kiếm được quanh nhà, như đỗ luộc hay ngọn su su xào...

“Nhà tôi nghèo lắm, làm nương rẫy thì làm gì có tiền, chỉ có rau củ trên rừng thôi, có gạo ăn là may lắm rồi. Nhưng tôi cũng cố gắng tìm thêm thức ăn để mang đến cho chồng, anh ấy đi cả chặng đường dài để về nhà vất vả lắm”, chị Sùa nói.

Các đoàn thể huyện Kỳ Sơn đã phát động chương trình "bát cháo yêu thương" cho công dân đang ở khu cách ly.

Ông Xông Bá Lầu - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết thêm, toàn xã Nậm Cắn có 154 công dân từ miền Nam và đang được cách ly tại 3 địa điểm là các trường học trên địa bàn xã. Phần lớn những người này thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nên đều phải nhờ người nhà mang cơm nước đến.

“Riêng hơn 90 người đang cách ly tại Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn được ăn cơm tập trung. Số còn lại đang cách ly tại 2 điểm còn lại thì do người nhà nấu, mang đến”, ông Xông Bá Lầu cho biết.

Hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu cách ly

Tính từ ngày bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27/4) đến nay, toàn huyện biên giới Kỳ Sơn có hơn 2.900 lao động trở về từ các tỉnh phía Nam, đang thực hiện cách ly tập trung tại các cơ sở trường học trên 21 xã, thị trấn. Đây là đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ tiền ăn, do vậy gia đình phải tự túc.

Điều đáng nói, theo thống kê, huyện Kỳ Sơn có khoảng gần 18.000 người đang sống và làm việc ở ngoại tỉnh, trong đó có hơn 10.000 người có nhu cầu trở về địa phương.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra khu cách ly.

Ông Lê Hồng Lập, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết, tất cả các công dân khi trở về đều được thực hiện khai báo y tế, test nhanh kháng nguyên và đưa đi cách ly tập trung tại 47 trường học mầm non, trường học nội trú trên địa bàn. Song song với đó, huyện Kỳ Sơn cũng đã tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong khu cách ly.

“Người dân trở về là lao động nghèo. Dịch bùng phát, mất việc làm, mất thu nhập, họ mới trở về quê. Vì vậy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly tập trung, để người dân yên tâm thực hiện cách ly phòng, chống dịch”, ông Lập nói.

Kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ công dân.

Với phương châm “Con người là vốn quý nhất”, "một miếng khi đói bằng một gói khi no" huyện Kỳ Sơn cũng đã và đang ra sức giúp đỡ con em mình vượt qua cơn bĩ cực. Thông qua các nguồn vận động, mỗi công dân trở về được hỗ trợ ban đầu từ 5-10kg gạo, 1 thùng mì tôm.

Tuy nhiên, không chỉ phải giải quyết khó khăn trước mắt, huyện nghèo biên giới này đang đối mặt với nỗi lo đảm bảo đời sống ít nhất 2 tháng để người dân có thể ổn định cuộc sống sau khi hồi hương.

Theo tính toán của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, để mỗi khẩu được hỗ trợ 15kg gạo/tháng trong ít nhất 2 tháng thì toàn huyện cần hơn 500 tấn gạo để cứu đói.

“Huyện Kỳ Sơn vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó có nhóm lao động trở về từ miền Nam nói trên”, ông Lê Hồng Lập cho biết thêm.

Công dân về quê sẽ được cấp gạo và mỳ tôm.

Chia sẻ thêm về việc hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ, đối với số lao động trở về địa phương mà không có nhu cầu quay lại nơi làm việc cũ, huyện sẽ đề nghị các công ty, xí nghiệp đang thi công các công trình giao thông, xây dựng trên địa bàn, ưu tiên các đối tượng này.

“Huyện cũng đã lên kế hoạch đào tạo nghề cho các đối tượng là lao động trong độ tuổi; hỗ trợ cây, con, tạo điều kiện vay vốn sản xuất; vận động người dân khai hoang phục hóa các ruộng nước lâu nay bị bỏ để đi làm ăn xa; khôi phục lại các dự án trồng chè, trồng cây dược liệu dưới tán rừng; làm du lịch cộng đồng…”, ông Minh nói.

Ngày 6/8 vừa qua, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản thông báo về việc hỗ trợ người dân Nghệ An ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với mức 1 triệu đồng/hộ từ nguồn kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Trước mắt, hỗ trợ khẩn cấp 2.000 hộ, tương đương 2 tỷ đồng để giúp những người con quê hương vượt qua khó khăn, cùng địa phương sở tại đẩy lùi đại dịch.