Đời sống

Ăn thịt gà, người đàn ông nhập viện gấp vì thói quen ai cũng dễ mắc phải

Một người đàn ông 27 tuổi ăn thịt gà và bị 1 mảnh xương nhọn cắm chặn ngang cổ họng nhưng nghĩ dị vật này nhỏ sẽ tự tiêu hết nên chủ quan.

Gặp họa vì... chủ quan

Theo báo Người Lao Động, ngày 22/10, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tp.HCM cho hay vừa xử trí cấp cứu gắp mảnh xương gà 3 cm cắm sâu, chặn ngang cổ cho anh N.T.C  27 tuổi, ở Đồng Tháp.

Khai thác tiền sử bệnh, trước khi nhập viện 2 ngày, anh C. ăn thịt gà bị hóc xương nhưng nghĩ dị vật này nhỏ sẽ tự tiêu hết. Tuy nhiên, tình trạng đau họng ngày càng nhiều, ăn uống khó khăn, không nuốt được nên anh vào bệnh viện cầu cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, các bác sĩ phát hiện dị vật hình que dài nhọn đầu chặn ngang và xuyên thủng thực quản đoạn trên, kèm phù nề. Các bác sĩ tiến hành nội soi khẩn cấp gắp mảnh xương gà ra an toàn, sức khỏe bệnh nhân hồi phục.

BS.CKII Trương Ngọc Nhã, Trưởng Khoa Nội soi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, khuyên người dân nên cẩn thận khi ăn những thức ăn có xương như thịt gà, cá... hoặc các loại hạt trái cây cứng, có đầu nhọn.

"Mắc xương hay dị vật ở thực quản rất dễ gây thủng thực quản dẫn đến viêm trung thất, áp xe. Trường hợp bị dị vật đâm xuyên vào các mạch máu lớn sẽ gây nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời.", bác sĩ Nhã khuyến cáo.

Làm thế nào khi bị hóc xương?

Nguyên nhân hóc xương

- Bệnh nhân ăn uống vội vàng.

- Vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa.

- Uống rượu say rồi ăn lẫn thức ăn lẫn xương.

- Nhai không kỹ trước khi nuốt.

- Hẹp thực quản.

- Bệnh lý tâm thần hoặc cố ý.

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, ngay sau khi nghĩ mình bị hóc xương hoặc thức ăn (cọng bánh tráng), bệnh nhân thường làm động tác có hại như: thò tay vào móc họng, cố nuốt nước hoặc miếng thức ăn to như miếng cơm bự hay một mẩu chuối to để dị vật trôi đi, hoặc dùng que đũa chọc vào họng; điều này là sai lầm và rất nguy hiểm.

Cách xử trí hóc xương

Nếu bạn cảm thấy mình bị hóc xương hay thức ăn khi đang ăn, bạn làm theo những bước sau:

- Ngừng việc ăn và khạc hết thức ăn ra khỏi miệng.

- Súc họng bằng nước lọc theo phương pháp sau: Ngậm một ngụm nước vào miệng, ngửa đầu ra sau, thè lưỡi ra ngoài và kêu "aaaaa" liên tục để làm cho lọc sọc nước ở trong họng cho đến lúc phải nhổ ra để thở.

Động tác này sẽ giúp lấy xương ra khỏi miệng và vùng họng. Sau khi làm liên tục ba lần mà vẫn cảm giác vướng họng, đau họng khi nuốt thì đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Tuyệt đối không móc họng hay cố gắng nuốt thức ăn cơm thật nhiều để làm trôi xương.

Trúc Chi (t/h)