Dân sinh

Ăn Tết xa quê, cô nàng du học sinh “trình làng” món ăn đậm chất Việt

Năm nay, Minh Giang - du học sinh Nhật lại ăn Tết xa quê vì dịch Covid-19 khiến cô không thể về Việt Nam. Đã 5 năm, cô nàng 9X không được đón Tết ở Việt Nam.

Năm nào cũng có nhiều du học sinh ăn Tết xa quê vì không gom góp đủ tiền vé hay vì muốn ở lại kiếm chút tiền đóng học phí cho kỳ tới. Năm nay 2021, đường về quê của các du học sinh lại càng xa hơn vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Mang "văn hóa ăn Tết" đi muôn nơi

Năm nay, Nguyễn Minh Giang (sinh năm 1995, Hà Nội) - du học sinh Việt Nam đang sinh sống ở Kobe (Nhật), học trường Kansai University Of International Studies (KUIS), khoa du lịch cũng không thể về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình.

Lại một năm ăn tết xa quê của cô nàng du học sinh Minh Giang. 

Cô nàng 9X chạnh lòng cho hay: “Dự tính ban đầu của mình là Tết này về Việt Nam mà vì dịch Covid-19 bên Nhật bùng lên dữ dội quá thành ra vỡ kế hoạch. Thực sự, mình vô cùng vô cùng buồn. Mình ở Nhật gần 5 năm, cũng có về Việt Nam chơi vài lần nhưng buồn là chưa lần nào về đúng dịp Tết. Lý do không về được đúng dịp Tết là vì vướng lịch thi cuối kỳ trùng đúng lịch Tết nên không bỏ thi được. Có năm nay, mình đang sung sướng, hí hửng sẽ về được thì lại vướng dịch”.

Là một dancer, có năm Minh Giang đón giao thừa trên sân khấu cùng mọi người.

“Tết cổ truyền Việt Nam là lúc gia đình sum họp đầy đủ, vui vẻ và hạnh phúc nhất trong năm. Ăn Tết xa nhà vừa buồn vì nhớ gia đình, bạn bè; vừa chán vì ở Nhật chẳng biết đi đâu chơi. Mọi người bảo đi du lịch nhưng thực sự ko thể thỏa mãn được cái khao khát về quê hưởng không khí đi chơi Tết”, Minh Giang tâm sự. 

Minh Giang cho biết, càng ở nước ngoài lâu càng thấy thèm khoảng thời gian giáp Tết, thèm được nghe tiếng bố quát loạn lên vệ sinh, dọn dẹp bày biện nhà cửa, đi chợ Tết. Cô nàng nhớ về đêm 30 Tết, 8 giờ tối ngồi xem Táo quân, đi với bạn đón giao thừa. 

Dù xa quê, Giang vẫn luôn cố gắng chuẩn bị mọi thứ để đón một cái Tết đầy đủ như ở nhà.

“Hồi ở Việt Nam, mình làm dancer, có năm đón giao thừa trên sân khấu với đồng đội, bác Lại Văn Sâm, cùng vô vàn khán giả.... Còn khi xa quê, đón giao thừa một mình, không người thân, bạn bè bên cạnh khiến mình nhớ da diết cảm xúc đón Tết, năm nào mình cũng thấy nghẹn ngào”, Minh Giang kể.

Cô nàng cùng bạn bè đi chùa cầu may.

Giang chia sẻ 5 năm đón Tết ở Nhật: “Tết đến cùng bạn bè tụ tập, chuẩn bị mâm cỗ chuẩn hương vị Việt: Cành đào rồi bánh chưng, giò chả, nem rán, canh măng..... không thiếu thứ gì. Mình cũng dọn dẹp nhà cửa đón năm mới, sáng mùng 1 đi chùa cầu may. Nói chung, mình luôn cố gắng tự hoàn thiện cái Tết sao cho ấm cúng và đầy đủ nhất. Thế nhưng, bạn bè vui vẻ xong, đến lúc giao thừa đứa nào đứa đấy gọi về cho gia đình, nhớ nhà lắm”. 

Cô nàng cũng chia sẻ hiện ở Nhật, mọi người đang rao bán bánh chưng, giò, bánh trái… chuẩn bị đón một cái Tết xa quê. 

Món ăn Việt giúp giảm đi nỗi nhớ quê

Buồn, nhớ nhà, Minh Giang quyết định vào bếp nấu những món ăn đậm chất Việt. Việc tự nấu ăn không chỉ tiết kiệm được một khoản chi phí sinh hoạt mà còn có được thưởng thức những món ăn thơm ngon, đúng vị Việt. Minh Giang cho hay ở Nhật có nhiều cửa hàng món Việt nhưng nhiều nơi nấu không đúng vị, giá thành lại đắt. 

Những món ăn do chính tay Minh Giang làm.

Tự nấu ăn cũng không có gì khó khăn với Giang bởi hiện nay, mua các nguyên liệu Việt bên Nhật không còn khó như trước. Các cửa hàng tạp hoá Việt Nhật ngày càng nhiều, ở các siêu thị Nhật cũng bày bán các loại gia vị của Việt Nam như tương ớt, nước mắm, mắm tôm, sa tế, phở khô, phở ăn liền,....


Trước khi sang Nhật, Giang hay đi ăn các quán ăn Nhật tại Việt Nam nên cũng biết kha khá món. Thế nên, khi sang Nhật, cô không quá lạ lẫm với đồ ăn Nhật. Cô đặc biệt thích sashimi với sushi nên sang đến nơi như cá gặp nước. Dù ẩm thực Nhật rất phong phú nhưng Giang cũng không ăn thường xuyên. Bữa sáng, bữa trưa trên trường thì cô đành phải ăn vì sự tiện lợi còn buổi tối nấu cơm Việt. Bữa cơm tối luôn là bữa ăn cô mong đợi nhất trong ngày. 

Giang nấu theo sở thích và ngẫu hứng, thèm gì thì phải làm rồi ăn bằng được. Về cơ bản, mỗi bữa cô tự cân đối sao cho đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin để đảm bảo sức khoẻ, học tập và làm việc

Phong Linh