Pháp luật

Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Vụ trộm tiền “vô tiền khoáng hậu”

Trong vòng hơn 1năm, nữ nhân viên đã lấy trộm gần 20 tỷ của cửa hàng. Trong khi đó, ông chủ lại cứ ngỡ kinh doanh bết bát do dịch bệnh. Với hành vi này, nữ nhân viên trên sẽ bị xử lý như thế nào?

Án Nước ngoài:

Chủ thiếu cảnh giác, nữ nhân viên biến thành “đạo tặc”

Mới đây, cảnh sát Tp.Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) nhận được cuộc gọi trình báo từ một chủ cửa hàng nghi rằng bị đánh cắp tiền trong tài khoản.

Sau khi điều tra, cảnh sát phát nhân viên bán hàng họ Ngô của cửa hàng là nghi phạm số 1. Điều tra cho thấy, trong 16 tháng từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2022, Ngô đã sử dụng tài khoản thanh toán trực tuyến của cửa hàng để thực hiện tổng cộng 187 lần chuyển tiền, với số tiền hơn 5,3 triệu NDT (khoảng 18,9 tỷ đồng)

Ngày 13/2/2022, sự việc sau khi được công khai đã nhận được sự chú ý và bàn tán xôn xao từ cộng đồng mạng: "Ông chủ gan lớn thật, không thèm kiểm tra tài khoản hằng ngày", "Hơn 5 triệu mà không nhận ra thì làm sao mà ông chủ làm được",...

Đầu năm 2019, Ngô (nữ, 26 tuổi) được nhận vào làm nhân viên bán hàng trong 1 cửa hàng bán vải huyện Thụy An, Tp.Ôn Châu. Một lần, Ngô vô tình phát hiện ông chủ thường sử dụng nền tảng WeChat trên máy tính bảng của cửa hàng để thanh toán tiền với khách hàng và tiền cũng nằm trong ví WeChat.

Ngày 26/10/2020, Ngô đã lập một tài khoản WeChat mới với danh tính giả và sử dụng tài khoản của ông chủ để chuyển 8.868 NDT (hơn 31 triệu đồng) vào tài khoản này.

Ngô thấy rằng ông chủ không hề hay biết nên bắt đầu phạm tội thường xuyên. Sau khi "giàu", Ngô không chỉ mua sắm quần áo, mỹ phẩm hàng hiệu mà còn thường xuyên ghé thăm các cơ sở làm đẹp.

Trong thời gian này, chủ cửa hàng cho rằng ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tình hình kinh doanh bết bát. Cho đến cuối năm 2021, ông này mới nhận ra điều bất ổn nên gọi điện báo cảnh sát.

Nữ nhân viên dùng tiền trộm từ cửa hàng mua quần áo, phụ kiện, mỹ phẩm hàng hiệu,... Ảnh: Sohu

Cảnh sát địa phương ngay lập tức mở một cuộc điều tra, và nhanh chóng phát hiện Ngô là thủ phạm. Cuối tháng 1/2022, Ngô đã chủ động ra đầu thú. Khám xét nơi ở của Ngô, cảnh sát đã thu giữ hơn 650 bộ quần áo, 73 đôi giày và 38 túi xách. Số dư 3 triệu NDT trong tài khoản ngân hàng của Ngô cũng đã bị cảnh sát thu hồi. Cảnh sát cũng đang tiến hành thu hồi số dư trong các tài khoản thành viên của các cơ sở làm đẹp nơi Ngô lui tới.

Hiện, Ngô đang bị cảnh sát Ôn Châu tạm giữ hình sự theo pháp luật vì tình nghi trộm cắp.

Luật Việt Nam:

Kẻ trộm cắp đối diện mức án 20 năm tù

Theo quy định của Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam, trộm cắp tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách lén lút, nhằm không cho chủ quản lý tài sản biết có việc chiếm đoạt xảy ra. Người phạm tội thực hiện hành vi cũng mong muốn che giấu hành vi chiếm đoạt. Việc che giấu này thường là che giấu cả về hình thức và tính chất bất hợp pháp của hành vi, nhưng cũng có trường hợp chỉ cần che giấu tính bất hợp pháp của hành vi, cũng được coi là hành vi chiếm đoạt có tính lén lút.

Hành vi trộm cắp tài sản phải tác động đến tài sản đang có người khác quản lý. Những tài sản đã thoát ly sự quản lý của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp thì không coi là đối tượng chiếm đoạt của hành vi trộm cắp.

Tội Trộm cắp tài sản hoàn thành khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản, tùy vào loại tài sản và vị trí để tài sản mà thời điểm chiếm đoạt được tài sản có thể được xác định khác nhau với từng trường hợp cụ thể.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

Ngày 26/10/2020, Ngô đã lập một tài khoản WeChat mới với danh tính giả và sử dụng tài khoản của ông chủ để chuyển 8.868 NDT (hơn 31 triệu đồng) vào tài khoản này.

Sau đó, Ngô nhận thấy ông chủ không hề hay biết việc mất tiền nên bắt đầu phạm tội thường xuyên hơn và trong suốt hơn 1 năm “tác nghiệp”, tổng số tiền nữ nhân viên này đã lấy trộm lên tới gần 20 tỷ đồng.

Chiếu theo quy định tại khoản 4 Điều 173, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi bị đưa xét xử, nữ nhân viên Ngô sẽ phải đối diện với mức án phạt từ 12 năm đến 20 năm tù.

Ánh Dương (thực hiện)