Pháp luật

Án nước ngoài-Luật ta: Thanh niên đập máy ATM, chờ cảnh sát đến để được vào tù cho có chỗ ăn, chỗ ở

Mới đây, cộng đồng mạng đang vô cùng xôn xao trước câu chuyện 1 anh chàng ở Trung Quốc, người vừa cố tình dùng gạch đập vỡ máy ATM ở tỉnh Chiết Giang chỉ với mong muốn duy nhất là "được vào tù".

Án nước ngoài:

     Trong suy nghĩ của nhiều người, việc phạm tội và phải ngồi tù chắc chắn là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc đời. Thế nên mới đây thôi, cộng đồng mạng đang vô cùng xôn xao trước câu chuyện 1 anh chàng ở Trung Quốc, người vừa cố tình dùng gạch đập vỡ máy ATM ở tỉnh Chiết Giang chỉ với mong muốn duy nhất là "được vào tù". Thậm chí, để chắc chắn mình không có cơ hội bỏ chạy, anh chàng còn tự mình gọi điện báo cảnh sát, sau đó ung dung chờ người tới bắt và chủ động xin được "đưa tay vào còng".

Cụ thể, đoạn clip ghi lại cảnh anh chàng thanh niên cố tình đập phá máy ATM vào 2h sáng đang gây xôn xao cộng đồng mạng. Theo đó, sau khi đập phá chán chê, anh chàng rút điện thoại ra gọi cho cảnh sát tự báo án sau đó ngồi chờ một cách khá thoải mái. Tới hiện trường, cảnh sát càng thêm phần bất ngờ hơn khi anh chàng nhanh chóng tự đưa tay vào còng và xin được áp giải về đồn.

Camera ghi lại cảnh thanh niên cố tình đập phá màn hình máy ATM.

     Tại đây, thủ phạm được xác định là 1 thanh niên họ Phương, 22 tuổi và theo lời khai của hắn, ý định ban đầu là tấn công 1 tổ chức tín dụng nhưng vì lạc đường nên chuyển qua 1 ngân hàng gần đó. Tới nơi thì ngân hàng đã đóng cửa nên anh ta đành phải tấn công cây ATM để thu hút sự chú ý. Và kết quả là màn hình máy ATM tại đó bị hư hỏng nặng. Sau đó, Phương chủ động báo cảnh sát.

     Khi nhận được câu hỏi tại sao lại làm như vậy, Phương rất thành thật trả lời rằng: "Tôi cực kỳ lười biếng, tôi không muốn phải đi làm. Mà cứ như vậy thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ chết đói mất. Đó là lý do tôi muốn được ngồi tù, ít ra thì cũng có một chỗ để ăn hay ở".

      Theo nhiều nguồn tin, Phương là kẻ lười biếng và luôn cảm thấy mình sẽ là gánh nặng cho gia đình dù bản thân không nợ nần, cũng không dính vào tệ nạn nào. Chưa biết liệu Phương có đạt được ý nguyện của mình hay không, nhưng trước mắt, thiệt hại của việc đập phá chiếc ATM đang là khoảng 17.500 NDT (khoảng gần 60 triệu đồng) và đồng thời, anh chàng cũng đang "được" tạm giữ với tội danh cố ý hủy hoại tài sản.

Luật ta:

Kẻ siêng ăn nhác làm có nguy cơ “ăn ở miễn phí” tới 10 năm!

      Để thu hút sự chú ý, “siêu lười” họ Phương, 22 tuổi đã tấn công cây ATM khiến màn hình máy bị hư hỏng nặng. Sau đó, kẻ phá hoại này còn chủ động báo cảnh sát với mong muốn được còng tay, mang về đồn. Và cuối cùng, anh ta đã được “như ý nguyện” với tội danh Cố tình phá hoại tài sản.

     Những người phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không chỉ gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tài sản của công dân mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

     Bộ luật Hình sự (BLHS) của Việt Nam có hẳn 1 chương để quy định về nhóm tội xâm phạm sở hữu. Trong đó, tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác được quy định rất cụ thể về tính chất hành vi, về giá trị tài sản bị hủy hoại. Theo đó, những hành vi tương tự hành vi của nam thanh niên họ Phương sẽ bị xem xét, xử lý về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hiện tại, anh chàng đang bị giam giữ với tội danh cố tình phá hoại tài sản.

      Cụ thể, khoản 1 Điều 178 BLHS quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

     Ở đây, hành vi của thanh niên họ Phương không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà hủy hoại tài sản có giá trị lớn, đó là máy ATM.  

      Với tội Hủy hoại tài sản, giá trị tài sản bị hủy hoại càng lớn thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải nhận mức án càng cao. Theo tính toán của 1 chuyên gia về tài chính - ngân hàng, mỗi máy ATM trị giá khoảng 17.000 - 20.000 USD (tương đương khoảng 395.590.000 đến 465.000.000 đồng nếu tính theo tỷ giá USD vào thời điểm hiện tại là 23.270 đồng/1 USD).

      Do vậy chiếu theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 178 (Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng), người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.  

   Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

     Như vậy, tham chiếu vụ án trên với pháp luật hình sự của Việt Nam, với hành vi đập phá máy ATM của ngân hàng, thanh niên họ Phương không chỉ có nguy cơ được “ăn ở miễn phí” tới 10 năm tù mà còn có khả năng bị phạt tiền với mức phạt lên tới 100 triệu đồng. Có lẽ trước khi “hành động”, nam thanh niên “sợ chết đói” này chưa tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật. Nếu không, anh ta sẽ không dám “đánh cược” với sự tự do của mình như vậy.

Ánh Dương