Pháp luật

Án nước ngoài - Luật ta: Phải hầu tòa vì báo cảnh sát mất trộm cây cần sa

Trình báo cảnh sát vì mất trộm vài cây cần sa, người đàn ông ở thị trấn Tennant Creek phải hầu tòa, vườn cần sa bị tịch thu.

Án nước ngoài:

Phải hầu tòa vì báo cảnh sát mất trộm cây cần sa

Trình báo cảnh sát vì mất trộm vài cây cần sa, người đàn ông ở thị trấn Tennant Creek phải hầu tòa, vườn cần sa bị tịch thu.

William Pointon, 61 tuổi, gọi điện báo cảnh sát rằng 1 thiếu niên đã đột nhập vào nhà ông ta ở thị trấn Tennant Creek thuộc vùng lãnh thổ phía Bắc của Australia và đánh cắp một số cây cần sa. Khi cảnh sát đến, Pointon mời họ vào nhà để kiểm tra.

Khi vào nhà, cảnh sát phát hiện 69 cây cần sa, một số cây cao tới 1,5m. Pointon lập tức bị bắt, số cần sa trong vườn bị tịch thu. Tại phiên tòa hôm 9/6, người đàn ông này thừa nhận đã trồng cần sa số lượng lớn.

Một vườn cần sa bị cảnh sát phát hiện ở bang Queensland, Australia. (Ảnh: ABC).

Luật sư bào chữa Noah Redmond nói với tòa án rằng Pointon cảm thấy cần sa không phải bất hợp pháp, nhưng ông tin rằng trẻ em không nên sử dụng chúng.

Tòa cho biết Pointon đã trồng cần sa trong nhiều thập kỷ và không bán để lấy tiền, mà dùng chúng để đổi lấy thực phẩm, hàng hóa và sức lao động từ bạn bè.

Tuy nhiên, Redmond nhấn mạnh rằng thân chủ của mình thừa nhận trồng cần sa là bất hợp pháp. Hành vi này khiến Pointon phải hầu tòa.

Luật ta:

Trồng cần sa dù với mục đích gì cũng bị nghiêm cấm và trừng trị

Cũng giống như pháp luật của Australia, cần sa là một loại cây chứa chất ma túy và việc trồng cây cần sa với bất cứ mục đích gì cũng bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và trừng trị.

Khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng chống và kiểm soát ma túy, người trồng cây cần sa với số lượng nhỏ (dưới 500 cây) và vi phạm lần đầu, có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Đối với trường hợp người vi phạm là người nước ngoài, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Đối với người vi phạm đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, hoặc trồng cần sa có số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 247 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trường hợp người phạm tội đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 247. Người phạm tội có tổ chức, hoặc trồng trên 3.000 cây trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Trên thực tế, một số người dân tin theo những đồn thổi về tác dụng thần kỳ của cây cần sa trong chữa bệnh hay trong chăn nuôi, dẫn đến việc trồng cây cần sa, vi phạm pháp luật. Do vậy, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn việc trồng loại cây nguy hiểm này trong nhân dân. 

Ánh Dương