Pháp luật

Án nước ngoài-Luật ta: Nam thanh niên “hồn nhiên” tiêu 34 tỷ đồng của người khác

Theo báo Thanh niên Bắc Kinh, năm 2017, Tô Vượng, người Thâm Quyến (Trung Quốc), bỗng nhiên có 10 triệu NDT (hơn 34 tỷ đồng) "từ trên trời" rơi vào tài khoản.

Án nước ngoài:

Nam thanh niên “hồn nhiên” tiêu 34 tỷ đồng của người khác

Theo báo Thanh niên Bắc Kinh, năm 2017, Tô Vượng, người Thâm Quyến (Trung Quốc), bỗng nhiên có 10 triệu NDT (hơn 34 tỷ đồng) "từ trên trời" rơi vào tài khoản.

Sau một hồi suy nghĩ, Tô Vượng quyết định chiếm hữu số tiền này. Vượng báo cáo mất thẻ để thay số thẻ mới, đổi mật khẩu, đổi số điện thoại di động, rồi nhanh chóng chuyển 10 triệu NDT sang 4 tài khoản khác của mình.

Tô Vượng (áo đen) tại cơ quan công an. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Đông

Trong 3 năm, Vượng “lặng lẽ” tiêu sạch số tiền trên.  Tháng 5/2020, khi cảnh sát Thâm Quyến điều tra vụ án lừa đảo tiền tiết kiệm và phát hiện tài khoản của công ty liên quan bị thiếu hụt 10 triệu NDT.

Sau khi điều tra, cảnh sát biết rằng để trốn tránh trách nhiệm, công ty này đã mua thông tin cá nhân của người khác để thiết lập "tài khoản ngân hàng công khai" và tiền bất hợp pháp kiếm được sẽ được chuyển vào tài khoản của những người này. Tô Vượng là một trong những người đã bán thông tin cá nhân.

Ngày 25/5/2020, Vượng bị cảnh sát bắt giữ.

Luật ta:

Biết rõ tiền không phải của mình nhưng vẫn tiêu là phạm pháp

Pháp luật Việt Nam quy định chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Nếu người khác sử dụng, định đoạt tài sản phải được sự đồng ý của chủ sở hữu.

Do đó, nếu phát hiện chuyển khoản nhầm, chủ sở hữu số tiền có quyền yêu cầu người đang chiếm giữ phải trả lại. Nếu cố tình không trả lại hoặc sử dụng trái phép tài sản đó, người chiếm giữ sẽ bị xử lý hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác, người chiếm giữ sẽ bị xử lý theo tội Sử dụng trái phép tài sản, Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015.

Chiếu theo quy định trên, khi biết người khác chuyển nhầm 34 tỷ đồng vào tài khoản của mình, Tô Vượng phải thông báo công khai cho ngân hàng và nhà chức trách địa phương biết để tìm chủ sở hữu số tiền đó chứ không được tự ý sử dụng, định đoạt.

Trong trường hợp này, Tô Vượng biết rõ số tiền 34 tỷ đồng nói trên không phải của mình nhưng vẫn lấy ra tiêu xài. Do vậy hành vi của Vượng là cố ý sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177 BLHS.

Ánh Dương