Môi trường

An ninh lương thực bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu, chúng ta cần làm gì?

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, gia tăng về cường độ và tần suất, do đó, an ninh nguồn nước, lương thực và sinh kế của người dân cũng ngày càng bị đe doạ.

Ngày 23/3, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Giờ Trái đất năm 2022

Sinh kế người dân ngày càng bị đe doạ

Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết, trong những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai và sự thiếu hụt về nguồn nước đã và đang là những thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại. 

Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 28/2/2022 của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai sẽ ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh kế của người dân ngày càng bị đe dọa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện

Ước tính kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt; và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm nước ta chống chịu từ 6-7 cơn bão; những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất,...

Mặt khác, gia tăng dân số toàn cầu, tình trạng đô thị hóa kéo thêm sự suy thoái về thiên nhiên môi trường, cộng hưởng thêm tác động của dịch bệnh Covid-19 đang làm phức tạp hóa hơn những thách thức mà Trái đất đang phải đối mặt. 

Do đó, nhằm hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, Bộ TN&MT trân trọng đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan toả lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững. 

Chúng ta cần làm gì?

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng mong muốn truyền tải một số nội dung, thông điệp, thúc đẩy quá trình hợp tác, cam kết với quốc tế và thực hiện các hoạt động hưởng ứng cụ thể.

Thứ nhất, rà soát hoàn thiện hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hoá và nội luật hoá những nội dung điều ước, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác khí tượng thủy văn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh; nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng nguy hiểm, bất thường có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường. 

Cần thể chế hoá và nội luật hoá những nội dung điều ước, thoả thuận quốc tế về BĐKH mà Việt Nam đã tham gia

Mặt khác, có chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hoá, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm; đẩy mạnh hợp tác hợp tác quốc tế trong hoạt động khí tượng thủy văn.

Thứ ba, phát triển ít phát thải hướng tới phát thải ròng bằng "0" đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Bộ TN&MTmong muốn và đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn từ mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải có sức chống chịu cao. Các Bộ, ban, ngành địa phương cùng chung tay tháo gỡ ngay các nút thắt trong cơ chế, tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo cam kết của Việt Nam.

Thứ tư, thúc đẩy sử dụng nước một cách thông minh, tiết kiệm; tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm; làm tăng trở lại nguồn nước ngầm bị suy giảm là những việc cần làm để góp phần quan trọng cho phát triển quốc gia phồn thịnh và bền vững, đảm bảo an ninh nước và sinh kế dựa vào nước.

Cuối cùng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra khắc nghiệt, đại dịch COVID-19 làm gia tăng tính phức tạp trong những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Vì vậy, Bộ TN&MT đề nghị tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia với cơ quan Quản lý thiên tai, Quản lý tài nguyên nước cũng như chính quyền địa phương và các bên liên quan để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày một tốt hơn.