Xã hội

Ẩn họa khôn lường từ đồ bảo hộ vứt tràn lan cao tốc Hà Nội-Bắc Giang

Thời gian qua tình trạng đồ bảo hộ y tế đã qua sử dụng vứt la liệt dọc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã khiến người dân sống quanh khu vực này không khỏi lo lắng.

Những ngày gần đây, liên tục xuất hiện thông tin phản ánh về tình trạng quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt lại ngay trên lề đường và hành lang cao tốc Hà Nội-Bắc Giang. Nhiều bộ đồ còn để lại dấu vết bị đốt ngay khu vực bãi đất thuộc đường cao tốc nêu trên.

Tình trạng này đã diễn ra một thời gian dài, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường, nguy hiểm nhất là làm tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh Covid-19 từ vùng dịch ra bên ngoài bởi đây là tuyến đường huyết mạch, lượng người và phương tiện lưu thông qua lại mỗi ngày rất lớn.

Quần áo bảo hộ và khẩu trang đã qua sử dụng vứt bừa bãi ngay lề đường cao tốc Hà Nôi - Bắc Giang, đoạn qua TP Bắc Ninh. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Cụ thể, theo ghi nhận của PV báo Giao thông, khu vực hành lang dọc đường cao tốc, đoạn qua Khu công nghiệp Đình Trám và Cụm công nghiệp Đồng Vàng, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang, đồ bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh đã qua sử dụng được tháo bỏ và vứt tràn lan dưới đất.

Tình trạng vứt bỏ đồ bảo hộ y tế đã sử dụng cũng diễn ra tại đoạn qua Cụm công nghiệp Đồng Vàng. (Ảnh: Báo Giao Thông)

Theo tìm hiểu, đây là điểm vào, có chốt phòng dịch của lực lượng chức năng huyện Việt Yên kiểm soát người ra khỏi vùng dịch tại Cụm công nghiệp Đồng Vàng. Mọi người phải tuân thủ mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang phòng chống dịch theo quy định. Tuy nhiên, sau khi sử dụng nhiều người thiếu ý thức đã vứt lại những bộ đồ bảo hộ trên khi vừa nhập vào đường cao tốc Hà Nội-Bắc Giang thay vì thu gom, xử lý theo quy định.

Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Văn Phương cho biết đã nắm được tình hình trên. "Nguồn gốc của số đồ bảo hộ vứt la liệt nêu trên là do người ngoại tỉnh ra vào huyện Việt Yên. Vì theo quy định lái xe ra vào bắt buộc phải trang bị đồ bảo hộ. Hiện tượng trên xảy ra theo tôi là nằm ở ý thức chấp hành phòng chống dịch của các lái xe còn hạn chế, khi ra khỏi Bắc Giang họ tự ý vứt lại dọc đường", ông Phương nói.

Tình trạng này làm mất mỹ quan đường phố, ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh. Ảnh: Hà An-VietNamNet

Ngày 24/6, lãnh đạo UBND huyện này đã trao đổi, đề nghị Trưởng công an huyện Việt Yên tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp liên quan, ngăn không cho tái diễn. UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tổ chức thu gom, xử lý lượng rác thải trên theo quy định.

Cũng trên tuyến đường này, đoạn qua cầu Như Nguyệt, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, rác thải bảo hộ y tế tràn ngập hai bên đường, nhất là tại khu vực gần chốt kiểm dịch trên đầu đường gom dẫn vào TP Bắc Ninh có đặt 1 thùng thu gom rác thải đã đầy tràn từ lâu nhưng không được thu gom, xử lý.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, ông Nguyễn Song Hà, Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh cho biết sẽ khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý ngay.

Được biết trước đó tình trạng quần áo bảo hộ, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng bị vứt bỏ tràn lan trên cao tốc cũng đã được người dân nhiều lần phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Theo các chuyên gia, khẩu trang, quần áo bảo hộ hay trang thiết bị y tế khi đã qua sử dụng thì có thể coi là một vật gây nhiễm vì nó chắn những chất tiết đường hô hấp của nhiều người hoặc từ người mang mầm bệnh. Khi chúng ta vứt bừa bãi thì sẽ tạo ra những ổ nhiễm ngoài môi trường, có thể gây nên những nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với người xung quanh cũng như đối với môi trường. Do đó, mỗi người cần quan tâm đến vấn đề bỏ khẩu trang đúng nơi, đúng cách theo quy định.

Người dân không vứt bỏ khẩu trang y tế, găng tay cao su đã qua sử dụng bừa bãi trên đường phố, nơi công cộng mà cần bỏ vào các bao nilon, túi, hộp đựng... và buộc chặt để tránh bị vương vãi, rồi bỏ vào thùng rác để giảm thiểu phát tán mầm bệnh. Ngoài ra, rác sinh hoạt từ các hộ dân ở các khu vực bị phong tỏa, cách ly cũng cần được gói buộc kỹ trong các bao nilon, túi đựng rồi bỏ vào các thùng đựng rác để thuận tiện thu gom và tránh gây lây nhiễm dịch bệnh.

Được biết, hiện tại theo quy định của pháp luật, hành vi vứt khẩu trang không đúng quy định có thể bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng. Cụ thể, theo điểm c, d Khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định, người có hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang y tế đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng, có thể bị phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng; nếu vứt ra vỉa hè, đường phố, có thể bị phạt tối đa đến 7 triệu đồng.

Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, báo Giao Thông)