Kinh tế vĩ mô

Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường sau 7 năm

Sự vắng mặt của đường Ấn Độ trên thị trường thế giới có thể gây ra lo ngại về gia tăng lạm phát trên thị trường thực phẩm toàn cầu.

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này dự kiến sẽ cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới bắt đầu từ tháng 10, tạm dừng xuất khẩu lần đầu tiên sau 7 năm do thiếu mưa đã làm giảm năng suất mía.

Theo các dữ liệu thời tiết của Ấn Độ, lượng mưa ở các bang Maharashtra và Karnataka (vốn chiếm hơn một nửa tổng sản lượng đường của Ấn Độ) thấp hơn 50% so với thông  thường. Tình trạng thiếu mưa có thể khiến sản lượng đường giảm 3,3%, xuống mức 31,7 triệu tấn trong niên vụ 2023/2024.

Quyết định cấm xuất khẩu đường của Ấn Độ có thể sẽ làm tăng giá chuẩn ở New York và London, nơi đường đang được giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm, đồng thời gây ra lo ngại gia tăng lạm phát trên thị trường thực phẩm toàn cầu.

Các nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, trọng tâm chính của quốc gia này là đáp ứng nhu cầu đường trong nước và sản xuất ethanol từ mía dư thừa. Ở niên vụ sắp tới, Ấn Độ sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu. 

Theo Reuters, Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường ở niên vụ hiện tại tính đến ngày 30/9. Ở niên vụ trước đó, tổng lượng đường xuất khẩu đạt mức kỷ lục 11,1 triệu tấn. Năm 2016, New Delhi từng áp thuế 20% đối với xuất khẩu đường để hạn chế doanh số bán ra nước ngoài.

Vào tháng 7 vừa qua, Ấn Độ tuyên bố hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định giá bán lẻ trong nước. Động thái này đã làm giảm nguồn cung gạo toàn cầu và có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào mặt hàng này.

Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/2024. Ảnh minh họa.

Hiện, một số nhà phân tích cảnh báo, hiện tượng El Nino sẽ làm giảm năng suất mía của Ấn Độ trong niên vụ 2023/2024, thậm chí kéo dài đến niên vụ 2024/2025.

Trúc Chi (t/h theo Công Thương, Hà Nội Mới)