Công nghệ

Ấn Độ phạt Google 113 triệu USD

Google tiếp tục bị Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ phạt số tiền lên tới 113 triệu USD cho hành vi độc quyền và lạm dụng quảng cáo.

Theo Vietnamplus, ủy ban cạnh tranh của Ấn Độ (CCI) ngày 25/10 đã quyết định phạt Google 9,36 tỷ rupee Ấn Độ (113,04 triệu USD) sau khi cuộc điều tra kết luận hãng công nghệ lớn của Mỹ này lợi dụng vị thế của mình trên thị trường để quảng bá ứng dụng thanh toán và hệ thống thanh toán trong ứng dụng. Đây là quyết định xử phạt thứ 2 của Ấn Độ nhằm vào Google trong chưa đầy 1 tuần qua.

CCI công bố kết quả điều tra khẳng định Google đã ép các nhà phát triển ứng dụng sử dụng hệ thống thanh toán của ứng dụng. Theo CCI, việc bán hàng hóa kỹ thuật số trong ứng dụng giúp thiết lập công cụ quan trọng để các nhà phát triển kiếm tiền từ công việc của họ.

Do đó, Google không nên hạn chế các nhà phát triển ứng dụng sử dụng bất kỳ dịch vụ lập hóa đơn hoặc xử lý thanh toán nào của bên thứ ba, để mua hàng trong ứng dụng hoặc để mua ứng dụng.

Theo Bnews, hôm 22/10, Ủy ban cạnh tranh của Ấn Độ (CCI) thông báo đã phạt hãng công nghệ Google (Mỹ) 162 triệu USD sau khi điều tra cho thấy hãng này lạm dụng vị trí thống trị trên thị trường điện thoại thông minh ở Ấn Độ.

Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, cho đến nay, hệ điều hành Android của Google được xem là có vị trí thống trị tại Ấn Độ và được sử dụng cho 95% số điện thoại thông minh tại quốc gia Nam Á này.

Tuy nhiên, CCI cho biết Google đã cài sẵn bộ ứng dụng của hãng trên hệ điều hành Android để tạo lợi thế cho các ứng dụng phổ biến của hãng như YouTube và trình duyệt web Chrome. CCI nhấn mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường cần công bằng thay vì lạm dụng vị thế thống trị.

Do đó, CCI đã phạt Google 13,4 tỷ rupee (162 triệu USD), đồng thời yêu cầu công ty này không được bắt buộc người dùng Android cài đặt trước các ứng dụng. Bên cạnh đó, CCI cũng yêu cầu Google không tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với các nhà sản xuất điện thoại thông minh, khuyến khích họ chỉ bán các thiết bị chạy hệ điều hành Android hoặc sử dụng độc quyền phần mềm của hãng.

Đào Vũ (T/h)