Thế giới

Ấn Độ nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc: Thực tế gian nan

Việc tách rời khỏi Trung Quốc là không khả thi trong ngắn và trung hạn đối với Ấn Độ, bởi nền kinh tế này gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kể từ năm 2020, căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc ngày càng gia tăng, khiến Ấn Độ nỗ lực giảm phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính quyền New Delhi đã đặt ra các hạn chế đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc, chặn các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm như điện và đường sắt, đồng thời cấm hàng trăm ứng dụng di động có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nổi tiếng TikTok.

Bất chấp những nỗ lực này, thương mại giữa 2 nước vẫn tăng vọt. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, năm 2022, thương mại song phương Ấn Độ - Trung Quốc đạt mức kỷ lục 135,98 tỷ USD, trong đó có hơn 100 tỷ USD là kim ngạch nhậu khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.

Hồi tháng 1, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phải triệu tập lãnh đạo 18 bộ ngành để thảo luận về các ý tưởng nhằm cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.

TikTok đã bị cấm ở Ấn Độ từ tháng 6/2020. Hồi tháng 3, công ty này đã đóng cửa trung tâm hỗ trợ bán hàng từ xa ở Ấn Độ, dập tắt hy vọng quay trở lại thị trường này. Ảnh: NPR

Vai trò then chốt

Tuy nhiên, nỗ lực của quốc gia Nam Á có thể không mang về kết quả như kỳ vọng, vì một báo cáo mới đây cho thấy hàng hóa Trung Quốc không chỉ quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất khác nhau của Ấn Độ, mà trong một số trường hợp còn được các nhà sản xuất Ấn Độ ưa chuộng.

Nghiên cứu của Viện Ngoại thương Ấn Độ (IIFT) cho thấy việc sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm hóa chất vô cơ, dược phẩm, sắt và thép, đều dựa vào nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo IIFT, trong số 32 danh mục sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc, có 1/3 sản phẩm được xếp vào loại rẻ nhất. 70% còn có các lựa chọn thay thế rẻ hơn, nhưng vẫn được ưa chuộng hơn.

“Có một quan niệm sai lầm rằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được ưa thích chỉ vì chúng rẻ hơn. Nhiều người mua trong nước cho biết họ thích chất lượng sản phẩm từ Trung Quốc hơn các sản phẩm được sản xuất ở nơi khác”, Giáo sư Sunitha Raju tại IIFT chia sẻ.

Cũng theo bà Raju, chất lượng hàng hóa do các nhà cung cấp Trung Quốc cung cấp rất đa dạng, tùy thuộc vào mức giá mà người mua sẵn sàng trả.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là nhà cung cấp duy nhất cho 16 sản phẩm, khiến các nhà sản xuất trong nước không thể thay thế họ trong chuỗi cung ứng.

Công nhân tại một nhà máy may ở Ấn Độ. Nghiên cứu của IIFT cho thấy, 1/3 trong số 32 danh mục sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ nhất trên thị trường. Ảnh: SCMP/Bloomberg

Có những lĩnh vực như dược phẩm phải phụ thuộc quá nhiều vào những mặt hàng nhập khẩu đến mức chúng không thể duy trì hoạt động nếu không có những sản phẩm đó.

“Hơn 60% nguyên liệu đầu vào của ngành dược phẩm đến từ Trung Quốc, nên nếu có sự chậm trễ trong việc nhập khẩu, việc sản xuất có thể bị đình trệ”, ông Naresh Gupta, chủ tịch Phòng Thương mại Đông Dương cho biết.

Theo các chuyên gia, đây cũng là câu chuyện của ngành viễn thông Ấn Độ. Lĩnh vực này phụ thuộc rất nhiều vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

“Khi chúng tôi sản xuất các thiết bị viễn thông như điện thoại ở Ấn Độ, hầu hết các bộ phận đều đến từ Trung Quốc. Nói cách khác, chúng tôi chỉ đơn giản là lắp ráp điện thoại ở Ấn Độ chứ không hẳn là sản xuất chúng”, một thành viên cấp cao trong ngành viễn thông Ấn Độ cho biết.

Bà Raju cũng đồng ý với lời chia sẻ này. “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã phát hiện ra có rất nhiều nhà sản xuất thực ra chỉ là trung gian. Họ chỉ nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, sau đó cung cấp cho khách hàng nội địa”, bà cho biết.

Công nghệ là chìa khóa

Nghiên cứu của IIFT cũng cho thấy, hầu hết hàng nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc là các sản phẩm có công nghệ từ trung bình đến thấp.  

“Trong khi Trung Quốc xuất khẩu rất nhiều sản phẩm công nghệ cao sang nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng quốc gia này chỉ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thấp và trung bình sang Ấn Độ. Điều này chứng tỏ trình độ công nghệ của Ấn Độ quá yếu kém”, bà Raju nhận định.  

“Nếu muốn ngăn chặn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chúng ta cần phải có một nguồn hàng nhập khẩu thay thế, hoặc có khả năng sản xuất trong nước. Nếu cả hai điều này chúng ta đều không có, thì chúng ta có thể làm gì?”

Theo bà Raju, chiến lược “Ấn Độ tự cường” sẽ không có hiệu quả trừ khi ngành sản xuất trong nước được đẩy mạnh với các sản phẩm công nghệ cao. Khi đó, nhập khẩu gia tăng sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại vì nó đồng nghĩa với việc xuất khẩu cũng tăng lên.

Bà Raju, ông Gupta và nhiều chuyên gia khác cho rằng chính phủ Ấn Độ cần phải điều chỉnh lại các ưu tiên từ chiến dịch tự cường hướng nội sang lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu.

Theo nghiên cứu của IIFT, sự gia tăng của nguồn hàng nhập khẩu đã kéo theo sự gia tăng tương ứng về sản lượng của các ngành công nghiệp ở Ấn Độ, ngoại trừ sắt và thép.

Do đó, cơ quan này khuyến nghị chính phủ Ấn Độ hạ thấp các rào cản thương mại và khuyến khích nhập khẩu để tăng cường khả năng sản xuất ở thị trường nội địa. Cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, theo IIFT.

Phần lớn hàng hóa Ấn Độ nhập khẩu từ Trung Quốc có hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Ảnh: SCMP

Trong khi đó, ông Gupta khuyến nghị, quốc gia này cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngành công nghiệp, chẳng hạn như cung cấp năng lượng với giá rẻ hơn.

Các chính sách của Thủ tướng Modi cũng được đề nghị xem xét lại. “Ấn Độ tập trung vào thị trường nội địa, trong khi họ cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển cũng như đổi mới”, bà Raju đề xuất.

Chính phủ Ấn Độ cũng nên kết nối các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và khuyến khích, hỗ trợ họ đẩy mạnh sản xuất tại thị trường nội địa thay vì tập trung thu hút các công ty lớn của nước ngoài, theo bà Raju.

Nghiên cứu mới nhất của IIFT có thể khiến chính quyền Tổng thống Modi suy nghĩ lại về việc cắt giảm nhập khẩu của Trung Quốc, bởi sự phụ thuộc của New Delhi vào Bắc Kinh là điều không thể phủ nhận và khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, việc giảm nhập khẩu hay hạn chế đầu tư của Trung Quốc sẽ khiến Ấn Độ chịu thiệt nhiều hơn, bởi xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong xuất khẩu và đầu tư toàn cầu của nước này.

Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, NBR, Yahoo!News)