Thế giới

Ấn Độ đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong những tháng tới

63 trong số 135 nhà máy nhiệt điện ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này có lượng nhiên liệu dự trữ chỉ trong 2 ngày, thậm chí là ít hơn.

Ấn Độ có thể là cái tên tiếp theo sau Trung Quốc góp mặt trong danh sách các quốc gia tại châu Á phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, vì trữ lượng than tại hầu hết các nhà máy điện đã giảm xuống mức cực kỳ thấp.

Mức dự trữ "siêu nghiêm trọng"

Báo cáo hôm thứ Ba ngày 5/10 của Cơ quan Điện lực Trung ương Ấn Độ (CEA) cho thấy 63 trong số 135 nhà máy nhiệt điện ở quốc gia này có lượng nhiên liệu dự trữ chỉ trong 2 ngày, thậm chí là ít hơn. Dự trữ than tại 17 nhà máy đã giảm xuống mức bằng 0. Trữ lượng dự trữ đang ở mức độ mà CEA đánh giá là "siêu nghiêm trọng", rất thấp so với khuyến nghị của Chính phủ rằng nguồn cung cần đảm bảo ít nhất hai tuần. Nhiệt điện than chiếm gần 70% sản lượng điện của Ấn Độ và khoảng 3/4 nhiên liệu hóa thạch được khai thác trong nước.

Ông R. K. Singh, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ, nhận định rằng tình hình có thể không "thoải mái" trong khoảng 5 đến 6 tháng tới. Ông cho biết thêm sự thiếu hụt hiện tại là "vượt quá" mức bình thường nhưng chưa dẫn đến bất kỳ sự cố mất điện nào. Bộ đã yêu cầu Công ty TNHH Coal India Limited - công ty sản xuất phần lớn lượng than khai thác ở Ấn Độ tăng cường sản xuất để đảm bảo nguồn cung.

Theo các nhà phân tích tại Công ty tài chính Nomura, nếu Ấn Độ không thể sớm khắc phục tình trạng khan hiếm than, "các công ty ngành điện sẽ đối mặt với viễn cảnh phải nhập khẩu than với chi phí đáng kể" gây tổn hại cho sự phục hồi kinh tế. Bởi, đà gia tăng sản xuất hậu đại dịch và nỗ lực giảm khai thác than chống biến đổi khí hậu của nhiều nước đã khiến giá nhiên liệu toàn cầu gần đây leo thang chóng mặt.

Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh. ẢNH: Mint

Nguyên nhân thiếu hụt

Nhu cầu điện tăng mạnh ở Ấn Độ trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục sản xuất sau khi chịu những tác động nặng nề của Covid-19. Trong một tuyên bố hồi tháng trước, Bộ trưởng R. K. Singh cho biết: "Nhu cầu sẽ không giảm đi mà sẽ tăng lên”; ” Chúng tôi đã có thêm 28,2 triệu người tiêu dùng. Hầu hết trong số họ thuộc tầng lớp trung lưu và nghèo, có xu hướng tăng mua quạt, đèn, TV".

Trên thực tế, việc sử dụng điều hòa không khí thường giảm dần vào những tháng cuối năm sẽ bớt áp lực lên lưới điện, nhưng Ấn Độ sẽ tổ chức lễ hội Diwali vào tháng 11, một trong những lễ hội lớn nhất của nước này, và điều đó có thể dẫn đến một đợt tiêu thụ tăng đột biến.

Theo các nhà phân tích của Công ty tài chính Nomura cho biết hôm thứ Tư ngày 6/10: “Với nhu cầu điện có khả năng tăng trong bối cảnh khôi phục nền kinh tế và lễ hội sắp tới, sự gián đoạn từ phía nguồn cung gây ra rủi ro nghiêm trọng trong ngắn hạn đối với động lực tăng trưởng”.

Ngoài ra, nguồn cung cấp than của Ấn Độ còn bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn và lũ lụt đã làm ngập các mỏ, gây khó khăn đến hoạt động khai thác và vận chuyển. 

Công nhân làm việc trong một bãi than ở ngoại ô Ahmedabad, Ấn Độ, vào năm 2017. ẢNH: CNN.

Những ngày qua, không chỉ Ấn Độ, mà cả Trung Quốc và một số nước châu Âu cũng đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu đang ở mức rất thấp, trong khi Trung Quốc xảy ra tình trạng cắt điện diện rộng ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều nhà máy.

Phạm Thu Thanh (theo CNN, Reuters)