Cộng đồng mạng

Ấn Độ điều tra 132 ngôi làng không sinh con gái

Không một đứa bé gái nào được sinh ra trong 3 tháng gần đây từ 132 ngôi làng buộc các nhà chức trách Ấn Độ phải điều tra.

Câu chuyện kỳ lạ này xảy ra ở huyện Uttarkashi, được biết, có tới 216 đứa trẻ được sinh ra nhưng tuyệt nhiên toàn bé trai mà không hề có bé gái.

Một nhóm gồm 25 quan chức đã được tập hợp để tìm hiểu về nghi vấn phá thai chọn lọc giới tính. Đây là hành vi tàn nhẫn và phổ biến tại Ấn Độ dù đã bị cấm từ năm 1994.

Từ lâu, trọng nam khinh nữ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng tại Ấn Độ. Thậm chí, nhiều bé gái sơ sinh đã bị đầu độc, bóp cổ, dìm xuống nước thậm chí bị bỏ mặc đến chết.

Theo Liên Hiệp Quốc, từ năm 2014, tỷ lệ bé gái ở Ấn Độ đã giảm xuống mức báo động.

Tỉ lệ các em bé gái xuống tới mức báo động.

Hơn nữa, tỉ lệ chênh lệch giới tính ở Ấn Độ là 943 bé gái/1.000 bé trai. Hiện Ấn Độ đang thiếu hơn 63 triệu phụ nữ so với mặt bằng chung của dân số. Và điều đáng lo ngại là tỷ lệ xâm hại tình dục ở đất nước tỷ dân này đang có xu hướng tăng cao.

Ở Ấn Độ các bà mẹ sợ sinh con gái chỉ vì bởi tục lệ của hồi môn ngược đời ở nước này.

Được biết, xã hội Ấn Độ vẫn đặt nặng vấn đề của hồi môn. Của hồi môn (Dahej) là tài sản, hàng hóa có giá trị mà mỗi cô dâu cần mang theo khi về nhà chồng.

Người Ấn Độ quy định phụ nữ không có quyền thừa kế, nên của hồi môn chính là khoản tài sản mà cha mẹ dành cho con gái khi đến sống ở nhà chồng, trong khi nam giới được coi là "tài sản" của họ tộc.

Nó cũng thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ đối với con cái, nhưng dần dần điều ấy đã bị lòng tham của gia đình nhà trai lợi dụng và trở thành gánh nặng đè lên vai những cô gái xuất thân trong gia cảnh thiếu thốn.

Một cô gái về nhà chồng mà không mang đủ của nả theo yêu cầu sẽ phải sống trong sự khinh bỉ và bạo hành của gia đình chồng.

Thậm chí ở Ấn Độ đã từng có gia đình sau khi biết mang thai em bé gái đã nhẫn tâm phá thai vì quá sợ "văn hoá hồi môn" ở nước này.

Và khi không thể chịu đựng nổi, các cô dâu buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi tình cảnh "sống không bằng chết". Ghê rợn hơn, nhiều cô gái khác thậm chí còn bị nhà chồng đổ dầu hỏa thiêu sống hoặc ép tự tử.

Đã có không ít tình huống bất ngờ xảy ra mà hầu hết người chịu khổ là các cô gái. Một người phụ nữ đã từng bị chồng đánh đập tàn bạo rồi quay phim lại, gửi cho gia đình nhà gái để đòi của hồi môn.

Mặc dù Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm trao của hồi môn từ năm 1961 nhưng tục lệ này vẫn được áp dụng rộng rãi gây nên "khủng hoảng cô dâu" ở các bang miền bắc như Punjab và Haryana.

Ấn Độ đã hiện đại hơn nhưng lý do khiến người Ấn Độ muốn có con trai vẫn tồn tại: Con trai không phải cần có hồi môn nên không làm "điêu đứng" gia đình; con trai ở nhà sau khi cưới vợ và có thể phụ giúp bố mẹ già; đạo Hindu quy định chỉ con trai mới được châm lửa giàn thiêu trong đám tang cha mẹ.

Seema Mustafa - một quan chức thuộc Trung tâm phân tích chính sách ở New Delhi ngậm ngùi cho biết tình trạng này là: "Bản năng nguyên thủy mà pháp luật chưa thể thay đổi".

Minh Anh (Theo The Time of Indian)