Thế giới

Ấn Độ bác thông tin đánh thuế xuất khẩu gạo đồ

Cuối tháng 7, Ấn Độ bất ngờ tuyên bố cấm xuất khẩu gạo tẻ thường non-basmati, khiến giá gạo tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Hãng thông tấn Bloomberg hôm 22/8 đưa tin, Ấn Độ đang xem xét đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với việc xuất khẩu gạo trong nhằm đối phó với tình trạng giá lương thực ngày một leo thang.

Theo Bloomberg, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang xem xét đánh thuế đối với các lô hàng gạo đồ non-basmati, nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ Sanjeev Chopra ngay sau đó đã phủ nhận thông tin này. “Hiện tại, Ấn Độ không xem xét áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc xuất khẩu gạo đồ”, ông Chopra cho biết.

Gạo đồ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Quốc gia này sản xuất khoảng 135 triệu tấn gạo mỗi năm và xuất khẩu khoảng 21 triệu tấn mỗi năm.

Hồi tháng 7, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã gây bất ngờ khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng non-basmati.

Quyết định này đã đẩy giá sản phẩm này lên mức cao nhất trong 15 năm do lo ngại về nguồn cung. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, gạo trắng Thái Lan 5% tấm đã tăng lên 648 USD/tấn, đắt nhất kể từ tháng 10/2008.

Lạm phát ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng, khiến chính phủ nước này phải khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế giá lương thực tăng vọt. Mức thuế 40% đối với hành tây xuất khẩu mới đây cũng góp phần vào nỗ lực này. 

Quốc gia Nam Á cũng hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, đồng thời hạn chế dự trữ một số loại nông sản. Quốc gia này cũng đang xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mì và bán cà chua, ngũ cốc từ kho dự trữ nhà nước để cải thiện nguồn cung trong nước.

Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, India Times)