Đời sống

Ăn chay không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc ăn chay không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Các nhà nghiên cứu Pháp đã theo dõi thói quen ăn uống ở 65.000 phụ nữ sau mãn kinh và phát hiện rằng những người theo chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn 14% so với những người có chế độ ăn chay không lành mạnh.

Cụ thể, ăn chay không lành mạnh bao gồm không ăn thịt nhưng thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm như khoai tây chiên và đồ uống có gas. Những người tuân theo chế độ ăn thuần chay lành mạnh thì ăn nhiều trái cây tươi và rau, các loại đậu, ngũ cốc, dầu thực vật và nguy cơ mắc bệnh thấp hơn tới 14%.

Những người tuân theo chế độ ăn thuần chay lành mạnh ăn nhiều trái cây tươi và rau, các loại đậu, ngũ cốc và dầu thực vật. Ảnh minh họa.

Được biết nghiên cứu trên đã theo dõi 65.000 phụ nữ ở Pháp trong 2 thập kỷ và yêu cầu họ hoàn thành 2 bảng hỏi về chế độ ăn uống trong suốt quá trình nghiên cứu. Qua đó, các chuyên gia khám phá ra rằng không phải tất cả các chế độ ăn dựa trên thực vật đều mang lại lợi ích sức khỏe như nhau.

Ăn nhiều đường hoặc các loại carbohydrate là nguyên nhân căn bản dẫn tới lượng đường trong máu tăng cao đột biến, làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhưng không lành mạnh cũng mang lại hiệu quả tương tự. Chúng có thể gây béo phì, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc phải các bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Paris-Saclay (Pháp) đã trình bày những phát hiện này tại hội nghị trực tuyến Nutrition 2022 Live (diễn ra từ 14 – 16/6/2022).

Bà Sanam Shah, tác giả nghiên cứu, cho biết: “Điều khác biệt trong nghiên cứu của chúng tôi đó là chúng tôi giải đáp những băn khoăn về ảnh hưởng của chất lượng thực phẩm từ thực vật – thứ mà vốn không phải là trọng tâm của các nghiên cứu trước đây về các mô hình ăn kiêng khác”.

“Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh việc tăng tiêu thụ thực phẩm thực vật lành mạnh và giảm tiêu thụ thực phẩm kém lành mạnh hơn có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú”, bà Sanam Shah nói.

Bà Lona Sandon, Giám đốc chương trình dinh dưỡng lâm sàng tại Trường Y tế thuộc Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas (Mỹ), lưu ý thêm: “Nếu bạn đợi đến khi 55 tuổi, các tế bào bị tổn thương hoặc ung thư có thể đã bắt đầu tiến triển, mới thực hiện việc ăn uống lành mạnh thì khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh có thể sẽ ít hơn nhiều, so với thực hành chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật từ tuổi 20”.

Minh Hoa (t/h)