Góc nhìn luật gia

Ăn chặn tiền hỗ trợ dân đợt dịch Covid-19: Có thể bị phạt đến 15 năm tù

Phó trưởng khu phố ở phường Bình Hưng B (quận Bình Tân, Tp.HCM) bị khởi tố vì ăn chặn tiền hỗ trợ người dân.

Tối 1/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Tân (Tp.HCM) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét đối với ông Phan Thanh Minh (SN 1983, Phó trưởng khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B) về tội Tham ô tài sản.

Theo thông tin ban đầu, ông Phan Thanh Minh được xác định có hành vi ăn chặn tiền từ các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ cấp phát cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố.

Công an quận Bình Tân đang tiếp tục mở rộng xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc.

Trụ sở khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, đóng kín cửa sau khi cảnh sát rời đi. Ảnh: Tùng Linh.

Một số người dân cho biết từng đến trụ sở khu phố 2 để hỏi về gói hỗ trợ Covid-19. Tuy nhiên, họ thất vọng ra về vì không được nhận tiền.

“Ngày nào cũng có người tới trụ sở khu phố để hỏi về gói hỗ trợ Covid-19. Có trường hợp không được nhận tiền, bị đuổi về dẫn đến xô xát”, một người dân sống gần trụ sở khu phố 2 chia sẻ.

Trước đó, phường Bình Hưng Hòa B từng gây xôn xao về việc chính quyền phát gạo hỗ trợ nhưng bắt người dân ký nhận 1,5 triệu đồng. Lãnh đạo địa phương sau đó đã phải đến từng nhà dân xin lỗi và giải thích về sự nhầm lẫn trên.

Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Lê Bá Thân, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trong lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì những hành vi ăn chặn tiền Chính phủ hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của bị can Phan Thanh Minh là điều không thể chấp nhận được. Hành vi đó không chỉ gây dư luận xấu mà còn khiến người dân mất niềm tin ở cán bộ địa phương, những người luôn gần dân nhất. Do vậy, luật sư Thân cho rằng cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những người có hành vi này để làm gương.

Căn cứ vào kết quả điều tra, nếu số tiền mà bị can Minh “ăn chặn” trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, theo quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối tượng có thể bị phạt từ 02 năm đến 07 năm tù.

Ở đây, đối tượng đã chiếm đoạt chiếm đoạt tiền Chính phủ hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, do vậy đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 2 Điều 353 với khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù giam.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

A.D