Gia đình

Ám ảnh tiếng nổ xé trời khiến 14 thuyền viên thương vong

Sau một tháng lênh đênh trên biển, khoang tàu đầy cá, mọi người vui mừng vì sắp được đoàn tụ gia đình. Thế nhưng, gần về đến bến, chiếc tàu bất ngờ gặp sự cố phát nổ khiến 1 người tử vong, 13 người khác bị thương, trong đó, có 1 nạn nhân phải cưa chân để giữ mạng sống.

Vụ nổ kinh hoàng giữa biển

Tuần qua, dư luận bàng hoàng về vụ việc tàu phát nổ kinh hoàng khiến 14 thuyền viên thương vong. Theo đó, sáng 19/10, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, 22h ngày 17/10, tàu cá QNga 96068 TS, công suất 718 CV hành nghề lặn của anh Trương Minh Kính (SN 1972), ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn, đang trên đường trở về bến và chỉ còn cách đất đảo Lý Sơn khoảng 6 hải lý thì bất ngờ phát nổ.

Vụ nổ khiến ngư dân Dương Minh H. (21 tuổi), ngụ xã An Hải tử vong ngay tại chỗ và 13 ngư dân khác bị thương. Nhận được tin báo, chính quyền huyện Lý Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng và tàu cá của ngư dân Đinh Văn Trọng khẩn trương đưa các thuyền viên bị thương đi cấp cứu. Năm ngư dân bị thương nhẹ được chăm sóc tại cơ sở y tế địa phương, 8 ngư dân bị thương nặng được chuyển ra bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu ngay trong đêm.

Lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân gặp nạn. Theo đó, trường hợp tử vong được hỗ trợ 8,4 triệu đồng, các trường hợp bị thương nặng được hỗ trợ 4,7 triệu đồng và trường hợp bị thương nhẹ được hỗ trợ 3,7 triệu đồng.

Trao đổi với PV, Thiếu tá Phan Đại Dương, Trạm trưởng trạm Biên phòng An Hải cho biết, tàu cá này xuất bến rời đảo Lý Sơn ra khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa từ ngày 20/9. Sau gần một tháng bám biển, bám ngư trường, trên đường trở về thì tàu gặp nạn. Nguyên nhân ban đầu được xác định, do hệ thống điện trên tàu bị chập, gây cháy và nổ các bình ắc quy trên tàu. Vụ cháy nổ khiến cabin và các thiết bị trên tàu hư hỏng hoàn toàn.

Các nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho biết, lúc 2h50 ngày 18/10, bệnh viện tiếp nhận 8 ngư dân trên tàu cá Lý Sơn gặp nạn nhập viện. Trong đó, có 1 bệnh nhân bị chấn thương nặng. Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định phải phẫu thuật cưa 1/3 dưới đùi phải để giữ tính mạng. Bệnh nhân này cũng bị bỏng nhiều nơi. Một bệnh nhân khác bị bỏng khoảng 40% và tổn thương ở hai bên mắt. Sáu bệnh nhân còn tại bị bỏng từ 30% đến 40%.

Hiện tại, tất cả các bệnh nhân đều đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tạm thời ổn định. Tuy nhiên, các vết bỏng của bệnh nhân tiên lượng do nổ khí rất mạnh, gắn với vết bỏng của tia lửa điện, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ phải theo dõi kỹ lưỡng tránh trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng và bị các biến chứng khác.

Tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Thường, cha ruột của ngư dân Nguyễn Chí Đ. đang được điều trị tại khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình nghẹn đắng: “Con trai bị thương nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn vì nó còn sống”. Ông Thường kể, vào 22h ngày 17/10, nhận được tin tàu có con trai đang lênh đênh trên biển gặp nạn, ông đứng ngồi không yên. Ngay lập tức, ông liên hệ với những gia đình có người thân đi trên tàu thuê tàu cao tốc chuyển các nạn nhân vượt biển vào đất liền ngay trong đêm. Đồng thời, họ cũng liên hệ, thuê trước 7 xe cấp cứu chờ sẵn ở cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi.

Khi các nạn nhân vừa cập bờ liền được đưa lên xe cấp cứu chạy thẳng tới bệnh viện. “Là người lớn tuổi, đã trải qua rất nhiều chuyện, nhưng khi các nạn nhân được đưa vào đảo Lý Sơn, thấy ai cũng chảy máu, bị bỏng, nằm la liệt tôi không khỏi hoảng sợ. Tôi càng xót xa hơn khi biết, cháu Dương Minh H. đã qua đời”, ông Thường nói.

Lau vội dòng nước mắt, ông Thường kể, anh Dương Minh H. là người hiền lành, dễ gần. Anh H. khá thân thiết với gia đình ông. Ngay trước ngày tàu rời bến, anh H. còn cười bảo với ông: “Lần này đi, cháu cố gắng giữ một ít tiền để sau này có mà cưới vợ”. Những ngày tàu lênh đênh trên biển, cũng có đôi lần ông gọi điện cho cháu. Qua điện đàm, ông nghe tiếng anh H. cười tươi, trêu ghẹo ông. “Thế nhưng, bây giờ nó không còn nữa rồi”, ông chua xót.

Nỗi ám ảnh khó quên

Nằm trên giường bệnh, bị băng bó khắp người, anh Đại kể, chuyến ra khơi lần này gặp đường đi của cá nên sản lượng nhiều, cả đoàn đánh bắt được khoảng 40 tấn. Trên đường trở về, anh em ngư dân rất vui mừng và hy vọng sớm gặp được người thân. Thế nhưng, khi tàu cách bờ không xa thì bất ngờ phát nổ. Lúc ấy, anh đang ngủ chỉ nghe tiếng “bùm”, giật mình mở mắt thấy mọi người loạng choạng giữa tàu. “Lúc đó, ai cũng hoảng loạn, tôi chỉ bị thương nhẹ nên giúp đỡ những anh em bị nặng hơn”, anh Đại kể.

Ngư dân này khẳng định, khi tàu xảy ra sự cố, không có ai nấu nướng gì. Tàu nổ, rất may, bộ máy điện đàm vẫn có thể sử dụng nên anh em gọi cầu cứu. Lúc này, có tàu của anh Đinh Văn Trọng ở cách đó không xa đã đến hỗ trợ đưa mọi người vào đảo Lý Sơn. “Khi anh em được đưa vào đảo, ngay lập tức được chuyển lên tàu cao tốc để đến cảng Sa Kỳ. Lúc chúng tôi đến cảng đã có 7 chiếc xe cấp cứu chờ sẵn để đưa mọi người đến bệnh viện”, anh Đại kể. Anh tiếp lời: “Hiện, tôi rất đau đớn nhưng cảm thấy vẫn còn may mắn khi còn sống. Tôi thương anh H. đã không qua khỏi. Tôi hy vọng sớm bình phục, trở về quê để đến thắp cho H. nén nhang”.

Nằm bên cạnh, ngư dân Trần Tấn Đông (28 tuổi) bị bỏng nhẹ nhưng tai rách phải khâu lại. Anh kể, hôm ấy, một số anh em ngủ trong khoang, còn anh và một số khác ngồi phía trước mũi tàu trò chuyện. Khi câu chuyện đang dang dở, mọi người nghe tiếng nổ vang trời. Sau tiếng nổ, một số người bị rơi xuống nước, còn anh may mắn còn ở trên tàu. Ngay sau đó, những người ở trên tàu, bị thương nhẹ vội vàng giúp các anh em bị rơi xuống nước lên tàu.

Trong vụ nổ này, gia đình ông Trương Đình Tuấn (56 tuổi), ngụ xã An Hải có đến 3 người gặp nạn là anh Trương Đình Th. (24 tuổi), Trương Đình T. và Trương Đình Ph.. Trong đó, anh Tấn và anh Phát đang được điều trị tại khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình. Riêng anh Th. bị nặng nhất, phải cưa chân.

“Chiều 17/10, tôi nhận được điện thoại của các con cho biết tàu đang trên đường về đảo, tôi mừng lắm. Đến 22h, tôi sững sờ nhận được thông báo tàu đã bị nổ. Cả gia đình nháo nhào vì không biết thực hư như thế nào. Lúc tàu cập bến, tôi thấy thằng T. và thằng Ph. bị bỏng thì lao đến. Tuy nhiên, cả 2 đứa bảo tôi chạy đến xem thằng Th. thế nào. Tôi nhìn chân của Th. bị thương nặng mà tim thắt lại. Khi đưa vào bệnh viện, các bác sĩ yêu cầu phải cưa chân. Nhìn vết thương, tôi biết, đó cách xử lý duy nhất để cứu lấy mạng sống của con trai mình nhưng vẫn không khỏi đau xót. Bây giờ, tôi chỉ biết cầu nguyện cho các con nhanh khỏe trở lại”, ông Tuấn nói.

Huy Cường