Tài chính - Ngân hàng

Một cá nhân thành cổ đông lớn Tasco sau khi ông Phạm Quang Dũng rời ghế Chủ tịch

Tasco đang tiến hành hàng loạt động thái tái cơ cấu sau khi ông Phạm Quang Dũng thôi nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT hồi cuối tháng 10.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhà đầu tư cá nhân là ông Vũ Thái Xuyên vừa mua vào 13,7 triệu cổ phiếu HUT để nâng sở hữu từ 0% lên 5,1% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 30/11/2021.

Như vậy, sau giao dịch, nhà đầu tư cá nhân này đã trở thành cổ đông lớn của công ty. Phiên giao dịch ngày 30/11 cũng là phiên có 13,7 triệu cổ phiếu HUT được giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 13.700 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch gần 187,7 tỷ đồng. Đây cũng là phiên giao dịch mà cổ phiếu HUT tăng trần lên 16.700 đồng/cổ phiếu – như vậy giá thỏa thuận thấp hơn nhiều so với giá giao dịch trên sàn cùng phiên của cổ phiếu HUT.

Sau phiên mua thỏa thuận của ông Xuyên, cổ phiếu HUT còn tiếp tục tăng mấy phiên sau đó, lên cao nhất ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm trở lại về mức giá 17.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Dù vậy với thị giá này, nếu bán ra, ông Xuyên cũng lãi khoảng 45 tỷ đồng so với giá mua thỏa thuận cổ phiếu HUT sau 1 tuần đầu tư.

Nếu tính từ đầu năm 2021 đến nay cổ phiếu HUT đã tăng nhiều lần, từ vùng giá 4.200 đồng/cổ phiếu lên 18.700 đồng/cổ phiếu, ghi nhận ngày 7/12.

Cổ phiếu HUT hiện đạt 18.700 đồng/cổ phiếu. (Ảnh: tradingview)

Ở một diễn biến khác, Tasco vừa ra quyết định miễn nhiệm cùng một lúc 3 Phó Tổng Giám đốc đối với các ông bà Khuất Trung Thắng, Trần Hải Yến và Nguyễn Dĩnh Siêu. Việc miễn nhiệm một loạt các nhân sự chủ chốt trên của công ty diễn ra sau khi ông Phạm Quang Dũng rời ghế Chủ tịch HĐQT hồi cuối tháng 10. Tân Chủ tịch HĐQT của Tasco hiện là ông Hồ Việt Hà.

Bên cạnh đó, HĐQT Tasco cũng vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 7 công ty con và công ty liên kết với giá trị thoái vốn tối thiểu 600 tỷ đồng nhằm tái cấu trúc. Các công ty này gồm Tasco Thành Công, Tasco Nam Định, An Nhiên Foods, Bất động sản Thái An, Tasco Thăng Long, D-Tech và Tổng công ty Thăng Long.

Tại Đại hội cổ đông bất thường hồi cuối tháng 10, Tasco đã thống nhất kế hoạch phát hành 80 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong nước với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá hiện tại.

Nếu phát hành thành công, 800 tỷ đồng thu được sẽ dùng đầu tư góp vốn vào CTCP VETC (494,6 tỷ đồng); thanh toán công nợ với nhà thầu và thanh toán nợ vay cá nhân tổ chức (105,4 tỷ đồng) và 200 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn cho công ty con là công ty TNHH T'Hopsital. Đồng thời, vốn điều lệ của công ty cũng được tăng lên gần 3.500 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 30%.

Dù cổ phiếu tăng mạnh nhưng kết quả kinh doanh của Tasco lại trái ngược, thua lỗ triền miên. Quý 3 vừa qua công ty lỗ gần 73 tỷ đồng, nâng tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2021 lên hơn 146 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 90 tỷ đồng). Đây cũng là quý thứ 6 liên tiếp Tasco kinh doanh thua lỗ.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2021, công ty ghi nhận doanh thu giảm 15,8% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 161,99 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 72,84 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước âm 80,51 tỷ đồng. Đây là quý thứ 6 lỗ liên tiếp của Tasco.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, HUT ghi nhận doanh thu tăng 16,9% so với cùng kỳ lên 625,84 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 146,42 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 89,75 tỷ đồng. Như vậy, với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong 9 tháng đầu năm, công ty đang ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 53,4 tỷ đồng so với đầu năm lãi 80,6 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Tasco đặt ra kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng trong đó thu từ phí đường bộ là 550 tỷ đồng, doanh thu từ BĐS đạt 50 tỷ đồng và các lĩnh vực khác là 300 tỷ đồng; công ty dự kiến lỗ sau thuế 100 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên thực tế cho thấy chỉ sau 9 tháng đầu năm, Tasco đã vượt 46% "kế hoạch lỗ".