Góc nhìn luật gia

Ai phải chịu tiền án phí khi ly hôn?

Hiện nay, các vụ án ly hôn ngày càng nhiều. Chính vì thế, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là mức án phí ly hôn được tính thế nào?

Ai phải chịu tiền án phí khi ly hôn? (Ảnh minh họa)

Mức án phí ly hôn mới nhất

Ly hôn là việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ. Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định có 2 cách để vợ chồng thực hiện việc ly hôn là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.

- Thuận tình ly hôn là việc hai vợ chồng cùng cảm thấy cuộc sống hôn nhân lâm vào bế tắc, không thể tiếp tục được và không đạt được mục đích kết hôn ban đầu (Điều 55).

- Đơn phương ly hôn là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Nếu vì nguyên nhân bạo lực gia đình hoặc do một bên vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong thời gian kết hôn thì một bên có thể xin ly hôn (Điều 56).

Lúc này, ngoài việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, hai vợ chồng có thể thỏa thuận việc giành quyền nuôi con hoặc phân chia tài sản chung vợ chồng.

Khi đó, tùy vào từng yêu cầu là đơn phương hay thuận tình mà cách tính án phí sẽ được áp dụng khác nhau.

Bởi thuận tình ly hôn về bản chất là sự thỏa thuận của cả hai vợ chồng. Do đó, trong các vụ ly hôn thuận tình, thông thường hai vợ chồng chỉ yêu cầu Tòa án công nhận việc chấm dứt hôn nhân và sẽ tự thỏa thuận với nhau các vấn đề khác.

Ngược lại, trong vụ án đơn phương, vì đây là yêu cầu của một bên, không được bên kia đồng ý nên ngoài vấn đề về quan hệ hôn nhân thì quan hệ tài sản, con chung, nợ chung … cũng phải do Tòa án giải quyết.

Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí Tòa án, án phí trong các vụ án hôn nhân và gia đình được chia thành có giá ngạch và không có giá ngạch.

- Nếu không có tranh chấp về tài sản: 300.000 đồng.

- Nếu có tranh chấp về tài sản thì mức án phí tùy thuộc vào giá trị tài sản tranh chấp.

Trong đó:

+ Tài sản từ 6 triệu đồng trở xuống: Án phí là 300.000 đồng.

+ Tài sản trên 6 triệu đồng đến 400 triệu đồng: Án phí là 5% giá trị tài sản.

+ Tài sản trên 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng: Án phí là 36 triệu đồng + 3% phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng.

+ Tài sản trên 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng: Án phí là 72 triệu đồng + 2% phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2 tỷ đồng.

+ Tài sản trên 4 tỷ đồng: Án phí là 112 triệu đồng + 0,01% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.

Lưu ý, nếu yêu cầu ly hôn được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì vợ chồng phải chịu mức án phí bằng 50% mức án phí nêu trên.

Ly hôn, ai là người phải nộp tiền án phí?

Theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong các vụ án ly hôn, nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc đơn yêu cầu có được chấp thuận hay không.

Trong trường hợp cả hai cùng yêu cầu thuận tình ly hôn thì mỗi người phải chịu ½ mức án phí sơ thẩm.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, nghĩa vụ chịu án phí được quy định như sau:

- Vợ chồng trong vụ án ly hôn ngoài việc phải chịu 300.000 đồng tiền án phí không có giá ngạch thì phải chịu thêm án phí của phần tài sản tương ứng với giá trị mà mình được chia;

- Vợ chồng đã tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi tiến hành hòa giải thì không phải chịu án phí phần tài sản này;

- Vợ chồng phải chịu 50% mức án phí tương đương với giá trị tài sản họ được chia nếu họ không thỏa thuận được tại phiên hòa giải nhưng trước khi mở phiên tòa thì lại tự thỏa thuận được và yêu cầu công nhận trong bản án, quyết định của Tòa.

- Vợ chồng phải chịu án phí với toàn bộ tài sản phân chia nếu chỉ thống nhất được một phần trong phiên hòa giải…

Trong trường hợp nào ly hôn được giảm án phí?

Cũng theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Tòa án có thể giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí mà người đó phải nộp nếu gặp sự kiện bất khả kháng khiến bản thân không còn đủ tài sản để nộp và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

Trong đó, sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Đây là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Theo đó, để được giảm án phí thì vợ hoặc chồng – người có nghĩa vụ nộp phải gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giảm án phí kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh bản thân đủ điều kiện được giảm án phí.

Đơn đề nghị bắt buộc phải có các nội dung:

- Ngày, tháng, năm làm đơn.

- Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn.

- Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.

Hoàng Mai