Truyền thông

Ai phải chịu thiệt khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH?

Đại diện BHXH Việt Nam cho hay, trong trường hợp doanh nghiệp trốn đóng BHXH, thiệt hại nhiều nhất chính là người lao động, về lâu dài sẽ gây ra bất ổn lớn, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Thống kê của BHXH Việt Nam gần đây nhất cho thấy, số nợ BHXH trong toàn quốc là khoảng 7.000 tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 3,5% số phải thu.

Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH rất đa dạng, nhiều hình thức. “Có nhiều trường hợp DN có thu tiền bảo hiểm nhưng không đóng lại; có DN hoạt động có lãi nhưng vẫn trốn đóng, hoặc chây ì; cũng có cả DN thực sự khó khăn, mất khả năng thanh toán...”, ông Thắng nói.

Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam

Cũng theo ông Mai Đức Thắng, thời gian qua, lộ trình xử lý tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài. Quy luật chung là những tháng đầu quý số nợ tăng cao và những tháng cuối quý giảm đi. Nguyên nhân bởi doanh nghiệp có xu hướng chiếm dụng tiền đóng BHXH để dùng vào mục đích sản xuất kinh doanh.

“Điều này thể hiện rõ nhất trong những tháng đầu năm. Số nợ BHXH thường khá cao và giảm dần trong những tháng sau đó”, ông Mai Đức Thắng nhấn mạnh.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương kiểm tra, thanh tra. Với những doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, cơ quan BHXH sẽ thực hiện các đợt thanh tra chuyên ngành. Trường hợp các doanh nghiệp có số nợ cao và kéo dài hơn 6 tháng, cơ quan BHXH sẽ tiến hành thanh tra đột xuất. Trường hợp nợ BHXH kéo dài, cơ quan BHXH đề nghị công an xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

Cũng theo ông Mai Đức Thắng, BHXH các địa phương cũng công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH lên trang thông tin điện tử để dư luận được biết.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam chủ trương tăng cường công tác thanh tra, nhắc nhở việc chấp hành chính sách BHXH.

Vị Phó trưởng Ban thu cho biết thêm: Nếu lạm dụng quá nhiều thì bên cạnh việc chủ sử dụng nợ BHXH phải đi tù là người lao động trong doanh nghiệp mất việc làm. Bởi lẽ, trong trường hợp doanh nghiệp trốn đóng BHXH, thiệt hại nhiều nhất chính là người lao động, về lâu dài sẽ gây ra bất ổn lớn, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

“Còn những doanh nghiệp chấp hành tốt việc đóng BHXH nhưng đột xuất nợ BHXH chỉ vì một đơn hàng nhất định bị dừng hoặc sự cố tài chính khiến tạm thời chậm đóng BHXH thì cần nhắc nhở và theo dõi tiếp”, ông Mai Đức Thắng nói.

Điều 216 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; nếu  còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm. Các hành vi vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

Ngoài ra, Điều 216 còn quy định: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với các hành vi sau: trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Thông tin từ BHXH Việt Nam, hiện tại, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,19 triệu người; BHXH tự nguyện là 251 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 12,13 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 82,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số.

Về số thu: Toàn ngành thu 26.235 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 10/2018 toàn ngành thu 264.462 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch cả năm. Trong đó: thu BHXH là 175.152 tỷ đồng, thu BHTN là 12.417 tỷ đồng, thu BHYT là 76.892 tỷ đồng.

PV