Góc nhìn luật gia

Ai là người có khả năng phạm tội Ra quyết định trái pháp luật như ông Phan Văn Vĩnh?

Mới đây, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khởi tố về tội Ra quyết định trái pháp luật, liên quan đến việc bán vật chứng vụ án buôn gỗ lậu tại Đà Nẵng. Theo chuyên gia pháp lý, vì tính chất đặt biệt nên chỉ một số người có thẩm quyền mới có thể thực hiện hành vi phạm tội này.

Liên quan đến việc cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an về tội Ra quyết định trái pháp luật, PV báo Người Đưa Tin đã cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Trọng Giáp, công ty Luật TNHH Hoàng Sa, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Thưa luật sư, tội danh Ra quyết định trái pháp luật mà ông Phan Văn Vĩnh vừa bị khởi tố được phát luật định nghĩa như thế nào?

Theo định nghĩa của pháp luật thì “ra quyết định trái pháp luật” là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể tội phạm so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Chủ thể thực hiện tội Ra quyết định trái pháp luật là “người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án”.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó chánh án Toà án; Điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Chấp hành viên mới có thể thực hiện được tội này.

Chỉ những người có thẩm quyền trong hoạt đồng điều tra, tố tụng như ông Phan Văn Vĩnh mới có khả năng phạm tội Ra quyết định trái pháp luật.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng và hậu quả của hành vi phạm tội này?

Tội Ra quyết định trái pháp luật không chỉ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, mà còn ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án và cơ quan thi hành án, làm mất uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án.

Đối tượng tác động của tội phạm này là những quyết định trái pháp luật của những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án như: Quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu; quyết định xử lý vật chứng; quyết định việc giữ khẩn cấp; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định kê biên tài sản; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định thi hành án,…

Theo luật sư, khi đối tượng phạm tội là người có thẩm quyền thì công tác đấu tranh để phát hiện và truy tố có gặp khó khăn hay không?

Xét về hành vi khách quan, người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định trái pháp luật có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản (nói chung là bằng văn bản) mà biết rõ là trái pháp luật.

Người thực hiện hành vi ra quyết định trái pháp luật cũng không giống nhau, mà tuỳ trường hợp người có thẩm quyền là ai mà để xác định hành vi ra quyết định có trái pháp luật hay không.

Nếu người ra quyết định là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên thì chỉ có thể ra các quyết định trái pháp luật trong quá trình điều tra vụ án hình sự.

Nhưng nếu là Chánh án, Phó chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm thì không chỉ ra các quyết định trái pháp luật liên quan đến vụ án hình sự mà còn có những quyết định trái pháp luật liên quan đến các vụ dân sự, kinh tế, hành chính, lao động.

Trong trường hợp ra quyết định bằng miệng, phải có căn cứ xác định người có thẩm quyền đã quyết định và từ quyết định này đã trực tiếp gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì mới bị coi là hành vi phạm tội ra quyết định trái pháp luật.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, công ty Luật TNHH Hoàng Sa, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Các trường hợp này nên được hiểu cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ví dụ như Nguyễn Văn A là Đội trưởng đội thi hành án dân sự huyện X, được phân công chỉ huy lực lượng cưỡng chế buộc gia đình bà Trần thị C phải ra khỏi nhà để giao nhà cho anh Nguyễn Văn B.

Khi lực lượng cưỡng chế đã tập kết tại gia đình bà C thì nhận được quyết định tạm hoãn thi hành án, nhưng A vẫn ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế thi hành việc buộc gia đình bà C ra khỏi nhà.

Trong trường hợp quyết định trái pháp luật là quyết định bằng miệng của cấp trên đối với cấp dưới trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động có liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì cần phân biệt rõ ràng hơn.

Nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 367, Điều 368 hoặc Điều 369 Bộ luật Hình sự.

Còn nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) tuy biết rõ là trái pháp luật, nhưng không biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 370 Bộ luật Hình sự.

Cảm ơn luật sư!