Quan điểm

“Ai cho ta lương thiện?”

“Ai cho ta lương thiện?” không chỉ là một lời cảm thán, mà thực sự là những trăn trở của mỗi người ở đời sống này khi đứng trước lựa chọn việc cứu giúp người khác.

Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương nhờ người dân quay lại clip để chứng minh mình không phải là người gây ra tai nạn giao thông (ảnh chụp màn hình video clip)

Trên mạng xã hội đang lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh một người đàn ông đi ô tô giúp đỡ một người phụ nữ bị tai nạn nằm ven đường lên xe ô tô cá nhân, chở đến bệnh viện cấp cứu. Đáng nói là, anh vừa làm việc giúp đỡ ấy, vừa khẩn khoản: “Mọi người làm chứng cho em nhé! Em chỉ chở người vào cấp cứu thôi, không phải người gây tai nạn đâu”. Có thể thấy, người đàn ông này chủ động nói rất to để lời nói át được tạp âm đường phố mà ghi vào video clip.

Hành động của cứu người bị nạn không chỉ xuất phát từ cái tâm lương thiện giữa người với người mà nó còn được quy định rất rõ trong luật. Cụ thể, tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với nội dung cụ thể như sau:

Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  1. a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
  2. b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Người đàn ông tốt bụng sau đó được xác định là Thiếu tá Nguyễn Ninh Dương - Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội). Anh dừng lại  đang trên đường tới cơ quan làm việc. Anh Dương cho biết việc anh làm xuất phát những kinh nghiệm bản thân đúc rút ra trong lúc làm việc. Anh nói: “Tôi đã có một thời gian làm công tác khám nghiệm hiện trường những vụ tai nạn. Trước đây, cũng đã từng xảy ra nhiều vụ việc người dân đưa người bị tai nạn đi cấp cứu nhưng bị người nhà hiểu nhầm là người gây tai nạn và bắt đền nên tôi rút kinh nghiệm. Tôi nhờ người dân quay clip để đảm bảo an toàn cho chính mình”.

Tôi xem đi xem lại đoạn clip ghi lại cảnh anh Dương khẩn khoản, trần tình về việc mình không phải là người gây tai nạn. Mọi người đều khen hành động cứu người, khen sự khôn ngoan của anh Dương. Còn tôi lại có nhiều suy nghĩ: Sao làm việc tốt lại khó đến thế? Làm sao để tốt mà không phương hại đến chính mình và những người thương yêu mình?

Mới đây thôi, hồi tháng 7 vừa qua, vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân Anh và anh Ngô Văn Chính (trú Quảng Ninh) bị kiện sau khi cứu giúp, đưa bà P.T.T gặp tai nạn giao thông vào bệnh viện. Sau này, sự việc được làm rõ khi nhân chứng đã khẳng định, anh Chính là ân nhân đưa bà P.T.T vào bệnh viện cấp cứu, chiếc xe gây tai nạn không phải xe bán tải của vợ chồng anh Chính.

Bị kiện còn là nhẹ. Năm 2017, ở Bắc Ninh, đối tượng Nguyễn Hữu Khá đã đâm thấu lưng anh Nguyễn Hải Sơn – người đã đưa bạn gái Khá đi cấp cứu. Năm 2020, ở Sóc Trăng, anh Liên Tấn Tài đã bị đối tượng Trần Ngọc Hiếu đâm tử vong khi cố gắng đưa một người bị nạn vào viện cấp cứu. Hiếu và các đồng phạm sau đó bị tuyên án chung thân và nhiều mức án khác nhau.

Napoleon nói: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Biết bao người đã im lặng bỏ qua việc cứu giúp người khác không phải vì họ không tốt mà chỉ vì suy nghĩ “kính chẳng bõ phiền”. Người tốt thì luôn tốt. Có điều, hành thiện cũng phải tỉnh táo, không thể cứ tốt hồn nhiên để trở thành nạn nhân bằng chính cái tốt của mình. Chuyện cứu người của thiếu tá Dương thật sự khiến ta phải trăn trở về việc hành thiện trong đời sống này.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.