Thế giới

Ai Cập chỉnh đồng hồ sớm hơn 1 giờ trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng

Ai Cập điều chỉnh đồng hồ sớm hơn 1 giờ để thực hiện giờ mùa Hè nhằm tiết kiệm năng lượng. Thời gian áp dụng từ 00h ngày 28/4 đến 00h ngày 27/10.

Theo TTXVN, Ai Cập bắt đầu áp dụng quy ước giờ mùa Hè để tiết kiệm năng lượng trong thời gian từ 00h ngày 28/4 đến 00h ngày 27/10.

Theo quy định này, Ai Cập điều chỉnh đồng hồ sớm hơn 1 giờ để thực hiện giờ mùa Hè hay còn gọi là “giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày” (DST), kéo dài từ ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng Tư (28/4) cho đến hết ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 10 (26/10).

Việc điều chỉnh trên xuất phát từ những nỗ lực của chính phủ nhằm hợp lý hóa việc sử dụng năng lượng để xuất khẩu thu ngoại tệ, đồng thời giảm bớt những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu hiện nay.

Ai Cập áp dụng DTS từ năm 1988. Tuy nhiên, năm 2011, chính phủ lâm thời của Thủ tướng khi đó là ông Essam Sharaf đã quyết định bãi bỏ quy định này với lý do “không có tác dụng” tiết kiệm điện dựa theo kết quả nghiên cứu của Bộ Năng lượng.

Đến tháng 5/2014, quốc gia Bắc Phi đã khôi phục quy ước giờ mùa Hè trước khi hủy bỏ quy ước này vào tháng 4/2015.

Tuy nhiên, kinh tế Ai Cập đang đối mặt với nhiều khó khăn và để tiếp sức cho nền kinh tế, Ai Cập có kế hoạch tăng cường tiết kiệm khí đốt trong sản xuất điện để xuất khẩu. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã ước tính được rằng tiết kiệm 15% khí đốt trong sản xuất điện sẽ mang lại doanh thu 450 triệu USD/tháng nếu bán cho châu Âu.

Theo Zing News, trước đó, kinh tế Ai Cập đã chứng kiến hơn 20 tỷ USD tiền vốn chảy ra trong năm 2022 khi niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế trong nước giảm sút. Quốc gia này trước hết bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sau đó là lạm phát gia tăng trong bối cảnh xung đột diễn ra ở Ukraine. Đồng USD mạnh lên cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán hàng nhập khẩu của Ai Cập, khiến mọi thứ từ phô mai Pháp đến ôtô Mỹ trở nên khan hiếm.

Tình hình có trở nên khả quan đôi chút khi Ai Cập đã đạt một thỏa thuận vay 3 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Ngoài ra, nước này cũng đã thu hút được một số khoản vay và tiền gửi từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có trong năm 2022. Tuy nhiên, Chính phủ Ai Cập vẫn cần nhiều ngoại tệ hơn để có thể thanh toán hết khoản nợ hàng chục tỷ USD trong những năm tới.

Minh Hoa (t/h)