Thế giới

Afghanistan: Giáo sư đại học xé bằng cấp trên truyền hình trực tiếp

“Nếu em gái tôi và mẹ tôi không được học tập, thì tôi không chấp nhận nền giáo dục này”, vị giáo sư tại Đại học Kabul, Afghanistan, tuyên bố.

Một giáo sư tại Đại học Kabul đã xé bỏ bằng tốt nghiệp của mình trên truyền hình trực tiếp, tuyên bố rằng ông không cần chúng nữa vì Afghanistan “không phải là nơi để học hành”, trang The Independent (Anh) đưa tin hôm 28/12.

Theo The Independent, phát biểu với một người dẫn chương trình truyền hình, vị giáo sư (không thể xác minh ngay tên tuổi) nói thêm: “Nếu em gái tôi và mẹ tôi không được học tập, thì tôi không chấp nhận nền giáo dục này”.

Đoạn video về vị giáo sư xé từng tấm bằng trên TV đã lan truyền trên mạng xã hội và được chia sẻ rộng rãi.

Bà Shabnam Nasimi, cựu cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Tái định cư và Bộ trưởng Tị nạn của chính quyền trước đây, đã chia sẻ đoạn video trên Twitter và viết: “Cảnh tượng đáng kinh ngạc khi một giáo sư đại học ở Kabul xé bỏ bằng tốt nghiệp của mình trên truyền hình trực tiếp ở Afghanistan”.

Bà Nasimi hiện đang là giám đốc điều hành của Conservative Friends of Afghanistan, tổ chức tập trung vào việc thúc đẩy sự hiểu biết và hỗ trợ cho Afghanistan tại Vương quốc Anh.

Bà Shabnam Nasimi chia sẻ đoạn video trên Twitter và viết: “Cảnh tượng đáng kinh ngạc khi một giáo sư đại học ở Kabul xé bỏ bằng tốt nghiệp của mình trên truyền hình trực tiếp ở Afghanistan”.

Mặc dù Taliban hứa hẹn sẽ nhẹ nhàng hơn sau khi tiếp quản đất nước vào tháng 8/2021, họ vẫn tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với phụ nữ ở nước này.

Gần đây, Taliban đã cấm giáo dục đại học đối với phụ nữ trên khắp Afghanistan và cấm các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế tuyển dụng phụ nữ ở quốc gia Nam Á. Các lệnh cấm trên ngay lập tức vấp phải chỉ trích rộng rãi trên toàn cầu.

Phó điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Afghanistan Fran Equiza, trong cuộc gặp với quyền Bộ trưởng Y tế công cộng Qalandar Ibad, cũng kêu gọi “dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm của Taliban đối với phụ nữ làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế”.

Bà nói thêm rằng “lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người Afghanistan dễ bị tổn thương nhất”.

Minh Đức (Theo The Independent, Hindustan Times)