Tài chính - Ngân hàng

Chuyên gia ADB: Nhiều người đầu tư trái phiếu theo kiểu "bầy đàn"

Chuyên gia Nguyễn Minh Cường cho rằng hệ thống đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa thực sự phát triển.

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 6/4, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam đã có những nhận định về thị trường trái phiếu Việt Nam sau vụ việc thu hồi 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Ông Nguyễn Minh Cường cho biết, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong những năm vừa qua. Đây có thể coi là tín hiệu tốt vì đối với thị trường tài chính của Việt Nam thì trái phiếu doanh nghiệp vẫn là mảng chưa phát triển mạnh mẽ tương xứng. Ông Cường cho rằng sự tăng trưởng quá nhanh này diễn ra trong bối cảnh nền tảng cơ sở chưa được đáp ứng đầy đủ. 

Ông Cường chỉ ra, nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu dù quy mô còn ở mức vừa và nhỏ, thông tin về doanh nghiệp và tài sản doanh nghiệp chưa vững chắc. Về phía nhà đầu tư, có nhiều người đầu tư theo kiểu "bầy đàn".

"Cả 2 phía còn chưa sẵn sàng cả về trình độ và thông tin để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững", ông Cường chỉ ra.

Theo chuyên gia này, hệ thống đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa thực sự phát triển. "Trong bối cảnh này, một mặt vẫn nên khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả, mặt khác cần nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý và kỹ năng, kiến thức của cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư", ông Cường nói.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB.

Trước câu hỏi về trường hợp hủy bỏ phát hành 9 lô trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh hôm 4/4 vừa qua, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB Việt Nam cho biết không có câu trả lời cụ thể mà sẽ đưa ra những phân tích mang tính vĩ mô.

Ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa đến thời gian gần đây, một trong những cải cách quan trọng được tập trung là cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Gần đây, khi Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, có các tập đoàn lớn bắt đầu xuất hiện. Thị trường sẽ bị tác động không những bởi các doanh nghiệp Nhà nước mà có thể bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp tư nhân. 

"Đối với Việt Nam, ưu tiên ở đây là tập trung bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Xu hướng tập trung quản lý thị trường, đặc biệt là hạn chế quyền lực thao túng thị trường của các tập đoàn lớn cũng rất quan trọng", ông Cường nhấn mạnh.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021 có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570 nghìn tỷ đồng (chiếm 95,8% tổng giá trị phát hành) và 23 đợt phát hành ra công chúng với 26,340 nghìn tỷ đồng (chiếm 4,6% tổng giá trị phát hành), 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1.425 tỷ USD.

Năm 2021 nhóm ngân hàng thương mại dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành hơn 223.000 tỷ đồng, có 55.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng, chiếm 36%, trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Sang năm 2022, chỉ trong 2 tháng đầu năm, có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22.185 tỷ đồng (chiếm 80,1% tổng giá trị phát hành) và 8 đợt phát hành ra công chúng giá trị 5.509 tỷ đồng (chiếm 19,9% tổng giá trị phát hành). Kể từ đầu năm đến này, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% (1.316 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51% (7.536 tỷ đồng).

Nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 15.520 tỷ đồng, chiếm 56,04%. Kỳ hạn từ 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm với 9.313 tỷ đồng, tương đương 60%. Nhóm xây dựng đứng ở vị trí thứ hai với 7.930 tỷ đồng, chiếm 28,6% tổng giá trị phát hành.