Kinh tế vĩ mô

ADB lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam 2022

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023, nhưng tồn tại rủi ro nhất định từ bất ổn địa chính trị và số ca nhiễm Covid-19 tăng.

Ngày 6/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức buổi họp báo ra mắt Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 (ADO 2022) và cập nhật tổng quan kinh tế Việt Nam 2021, cùng dự báo triển vọng kinh tế cho năm 2022 và 2023. 

Trong buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại VIệt Nam - đã trình bày kết quả nghiên cứu của ADB và những dự báo cho kinh tế Việt Năm trong năm 2022 và 2023. 

Theo ông Nguyễn Minh Cường, sau khi tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh xuống mức 2,6% năm 2021 và thậm chí tăng trưởng âm trong quý 3/2021 do đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng hồi phục mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2023, với những dấu hiệu khả quan đầu năm 2022. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 1/2022 là 5,03% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức 4,72% vào quý 1/2021 và 3,67% vào quý 1/2020. 

Theo ADB, kinh tế Việt Nam phục hồi nhờ nhiều động lực khác nhau. Ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và chế tạo, đã có khởi đầu mạnh trong đầu năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã lên mức 53,7 trong tháng 1/2022 (trên 50 cho thấy sự mở rộng) và lên 54,3 vào tháng 2, so với mức 52,5 trong tháng 12/2021. 

Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2021. Khu vực dịch vụ của Việt Nam tăng 4,58% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tính riêng tháng 3/2022, do chính sách mở cửa du lịch và mở lại đường bay quốc tế mà số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. 

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%, chủ yếu do giá xăng dầu tăng và chi phí vận tải tăng theo. 

ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023 nhờ tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 cao của Việt Nam, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ (ERDP). 

Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo của ADB và đóng góp 3,6% vào tăng trưởng GDP. Ngành dịch vụ được kỳ vọng tăng trưởng 5,5% nhờ chính sách mở cửa du lịch và kiểm soát dịch linh hoạt, trong khi nông nghiệp sẽ tăng trưởng 3,5%. 

Kết quả năm 2021 và dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 của ADB theo lĩnh vực. Nguồn: ADB. 

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 1/1/2022 dự kiến ​​sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch lắng xuống. ADB dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8-10% trong giai đoạn 2022-2023, trong khi nhập khẩu tăng 7-9% cùng giai đoạn do nhu cầu đầu vào công nghiệp và tiêu dùng trong nước phục hồi. 

Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2,0% vào năm 2023. Lạm phát được dự báo sẽ tăng trở lại lên mức 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. 

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rủi ro trong ngắn hạn. Biến chủng mới của Covid-19 và số ca nhiễm mới tăng trở lại có thể cản trở quá trình quay lại trạng thái bình thường của nền kinh tế. Bất ổn địa chính trị do xung đột Nga - Ukraine và giá cả hàng hóa tăng cao, đặc biệt là giá dầu, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, gây thúc đẩy lạm phát.

Thêm vào đó, tăng trưởng chậm lại tại một số quốc gia phát triển và bạn hàng lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu có thể giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn, kèm theo những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng.

Số liệu và dự báo lạm phát của ADB. Nguồn: ADB.

Năng lực thực hiện chính sách phục hồi kinh tế cũng là một mối lo ngại của ADB đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. ADB cho rằng việc đảm bảo triển khai cấu phần hạ tầng trong ERDP một cách kịp thời có thể rủi ro, do vấn đề mang tính hệ thống trong quá trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án ở Việt Nam. Điều này lại đến từ các thủ tục đầu tư công phức tạp và cứng nhắc, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu.

Cấu phần tài khóa của ERDP cũng cần được hướng dẫn rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không đáp ứng được các tiêu chí vay vốn do tình hình tài chính và năng lực suy yếu vì đại dịch. Các khoản vay được trợ cấp cũng có thể bị sử dụng sai mục đích và đem đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro.