Thế giới

ADB giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, phần còn lại của châu Á đang tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.

Ngày 21/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022-2023 đối với các nước đang phát triển ở Châu Á trong bối cảnh rủi ro gia tăng do các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để kiềm lạm phát, hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine, và các biện pháp chống Covid-19 của Trung Quốc.

Khu vực Đông Nam Á

Trong bản cập nhật của báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (Asian Development Outlook) 2022 phát hành sáng 21/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng ở Indonesia, Myanmar và Philippines đã tăng tốc sau khi các quốc gia này mở cửa biên giới trở lại.

Theo ngân hàng này, Indonesia, Myanmar và Philippines sẽ tăng trưởng mạnh hơn, bù đắp cho phần sụt giảm của Singapore và Thái Lan.

ADB đã tăng mức dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á năm 2022 từ 4,9% lên 5,1%.

“Nhu cầu trong nước mạnh mẽ mang lại nhiều lợi ích cho Indonesia và Philippines. Mặt khác, giá hàng hóa toàn cầu cao hơn, cùng với triển vọng kinh tế toàn cầu mờ mịt hơn khiến người tiêu dùng và kinh doanh ở Singapore và Thái Lan sụt giảm”, báo cáo này cho biết.

Dự báo tăng trưởng của Lào, Singapore, Thái Lan và Timor-Leste năm 2022 giảm xuống vì nhu cầu của các nền kinh tế lớn giảm sút. Dự báo tăng trưởng của Brunei, Campuchia, Malaysia và Việt Nam không thay đổi. Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong ADO tháng 4/2022.

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2022. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, ADB cắt giảm dự báo tăng trưởng khu vực Đông Nam Á năm 2023 từ 5,2% xuống còn 5% do tăng trưởng toàn cầu sụt giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát Covid ở Trung Quốc và lạm phát cao hơn.

Hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi mở cửa du lịch trở lại và nhu cầu tiêu dùng bắt đầu phục hồi. Báo cáo cho biết chi tiêu tiêu dùng trong nước, đầu tư và kiều hối từ người lao động ở nước ngoài cũng đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh mạnh mẽ hơn.

Kim ngạch xuất khẩu trong khu vực tăng 15% so với một năm trước trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng khối lượng xuất khẩu thực tế chỉ tăng 5,2%. Điều này cho thấy giá cả tăng lên, trong khi nhu cầu xuất khẩu vẫn còn yếu. Kim ngạc xuất khẩu của khu vực đều giảm trong tháng 7 và tháng 8.

Khu vực châu Á đang phát triển

Mặc dù việc nới lỏng các hạn chế về đại dịch đã thúc đẩy chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng châu Á, ngân hàng có trụ sở tại Philippines vẫn cảnh báo rằng “những cơn gió ngược toàn cầu” có khả năng ảnh hưởng đến sự phục hồi của khu vực này, khi giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang, và các ngân hàng trung ương đẩy mạnh tăng lãi suất.

ADB dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á đang phát triển (gồm 46 thành viên của ADB, từ quần đảo Cook ở Thái Bình Dương đến Kazakhstan ở Trung Á) năm 2022 từ 5,2% trong báo cáo hồi tháng 4 xuống còn 4,3%. Trong năm 2023, khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% thay vì 5,3%. Khu vực này tăng trưởng 7,0% vào năm 2021.

“Khu vực châu Á đang phát triển tiếp tục phục hồi, nhưng rủi ro vẫn còn lớn”, ông Albert park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết trong một tuyên bố.

“Nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, khiến nhu cầu hàng xuất khẩu của khu vực giảm mạnh. Việc thắt chặt tiền tệ mạnh hơn dự kiến ở các nền kinh tế tiên tiến có thể dẫn đến bất ổn tài chính. Sự tăng trưởng (của Trung Quốc) phải đối mặt với những thách thức từ việc đóng cửa liên tục và khu vực bất động sản yếu kém”, ông Park cho biết.

Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 đã giảm xuống từ 5% xuống còn 3,3%, giảm từ 8,1% vào năm 2021 và thấp hơn nhiều so với ước tính tháng 4 của ADB là 5,0%. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kiểm soát Covid. ABD dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm tới, chậm hơn so với ước tính trước đó là 4,8%.

Nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kiểm soát Covid. Ảnh: Freedom House

Nếu không tính Trung Quốc, phần còn lại của châu Á đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% cả năm 2022 và 2023. Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, phần còn lại của châu Á đang tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.

Lần gần nhất là vào năm 1990, khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại xuống 3,9%, trong khi GDP ở phần còn lại của khu vực tăng trưởng 6,9%”, theo báo cáo của ADB.

Nguy cơ lạm phát vẫn cao

Ngân hàng ADB dự báo lạm phát Đông Nam Á tăng lên mức 5,2% năm 2022 và 4,1 năm 2023, do giá thực phẩm và năng lượng cao hơn, đặc biệt là ở Indonesia, Thái Lan và Philippines, cũng như các nền kinh tế khác trong khu vực.

Giá nhập khẩu tăng do các đồng tiền giảm giá trị so với đồng USD cũng có nguy cơ gây ra lạm phát ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Lào, Myanmar và các nền kinh tế nhỏ hơn khác.

Malaysia là ngoại lệ, vì các khoản trợ cấp và các biện pháp kiểm soát giá dầu và thực phẩm thiết yếu của chính phủ khiến dự báo lạm phát năm 2022 ở nước này giảm đi.

Lạm phát khu vực châu Á dự kiến tăng từ 3,7% năm 2022 lên 4,5% năm 2023, do cuộc xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng lên. Con số này dự kiến sẽ ổn định ở mức 4,0% trong năm 2023, nhưng vẫn cao hơn mức dự báo trước đó là 3,1%.

Theo ADB, lạm phát ở châu Á vẫn ít nghiêm trọng hơn ở Mỹ và một số nền kinh tế khác. Tuy nhiên, lạm phát ở Sri Lanka được dự báo sẽ tăng lên gần 45% trong năm nay, trong khi con số ở Myanmar là 16% và ở Mông Cổ gần 15%.

Lạm phát cũng tăng mạnh ở Lào và ở Pakistan, 2 nền kinh tế gặp khó khăn bởi gánh nặng nợ nần và tăng trưởng sụt giảm.

Nguyễn Tuyết (Theo Business Times, Wral, Malay Mail, CNBC)