Xu hướng thị trường

ACV muốn chi 11.000 tỷ đồng xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất tự chi 11.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết tình trạng quá tải.

Trong báo cáo tiền khả thi trình bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ACV cho biết, dự án nhà ga hành khách T3 sẽ có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm với tổng diện tích khoảng 100.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 11.430 tỷ đồng, được ACV đầu tư 100% bằng vốn doanh nghiệp.

Theo dự tính của ACV, cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt ngưỡng 45 triệu khách vào năm 2025, trong khi tổng công suất của 2 nhà ga hiện mới đạt khoảng 28 triệu khách/năm. Do đó, việc xây dựng thêm một nhà ga công suất 20 triệu khách là vô cùng cấp thiết.

ACV - doanh nghiệp "gà đẻ trứng vàng" của bộ GTVT muốn chi 11.000 tỷ đồng xây thêm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Ngoài nhà ga T3, ACV cũng đề xuất đầu tư đồng bộ sân đỗ máy bay, hệ thống dẫn đường trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe và hệ thống sân đỗ ôtô, nhà để xe cao tầng…

Dự kiến thời gian hoàn vốn của dự án là 22 năm. Trong giai đoạn 2023-2043, dự án dự kiến mang lại lợi nhuận khoảng 11.800 tỷ đồng sau khi đã điều chỉnh trượt giá (với lãi suất chiết khấu là 7,5%).

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án dự kiến sẽ mất khoảng 43 tháng tính từ thời gian chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó, việc lập báo cáo khả thi (bao gồm cả lựa chọn nhà thầu, tuyển chọn phương án kiến trúc) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020, khởi công sớm nhất vào quý III/2020, hoàn thành vào quý II/2022.

Ngoài ra, trong tờ trình gửi bộ GTVT, ACV kiến nghị Bộ báo cáo Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án.

Vừa qua, lãnh đạo cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết dịp Tết Nguyên đán 2019 lượng hành khách đi/đến chắc chắn sẽ tăng mạnh so với Tết 2018.

Tần suất tăng chuyến của các hãng hàng không trong nước trong giai đoạn Tết (15 tháng Chạp - 15 tháng Giêng), từ khoảng 8-10% so với Tết 2018, tương ứng khoảng  806 đến 820 chuyến/ngày, tăng 70 chuyến so với Tết 2018.

Trước đó, ngày 12/11/2018, bộ GTVT đã chuyển 5 tổng công ty, tổng vốn 275.000 tỷ về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (siêu ủy ban), trong đó có ACV.

Sau chuyển giao, bộ GTVT vẫn là cơ quan xây dựng, hoạch định chiến lược đối với các ngành giao thông, quản lý hạ tầng cảng. Hệ thống định mức tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực như giá cả, dự toán hay cơ sở dữ liệu quản lý Nhà nước vẫn do Bộ làm.

Kết thúc quý 3/2018, ACV ghi nhận doanh thu thuần 3.990 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 512 tỷ, tăng 36% chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi tỷ giá.

Ngoài ra, lãi từ các công ty liên doanh liên kết quý 3 năm nay cũng đem về cho ACV 76 tỷ đồng. Kết quả là, ACV báo lãi sau thuế 1.865 tỷ đồng, tăng 49% so với quý 3/2017.

Đây là một trong những đơn vị đang “ăn nên làm ra”, nhân viên tại đây có người thu nhập cao nhất  đạt 121 triệu đồng/tháng.

H.Y (tổng hợp)