Tài chính - Ngân hàng

ACB lãi lớn nhờ giảm hàng nghìn tỷ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng

Lợi nhuận tăng 42% lên hơn 9.000 tỷ đồng trong quý II góp phần giúp ACB thực hiện được 60% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm, các mảng kinh doanh trọng yếu của ACB hầu hết đều ghi nhận tích cực. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 20%, chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động bancassurance tăng 16%, thanh toán quốc tế tăng trưởng 30% và dịch vụ thẻ tăng 33% so với cùng kỳ. ACB duy trì tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 25,8%.

Các khoản thu từ hoạt động tín dụng, dịch vụ ngoại hối cũng đều tăng trưởng so với cùng kỳ. ACB cũng ghi nhận khoản lãi khác 655 tỷ đồng, tăng hơn 450% so với nửa đầu năm 2021, chủ yếu nhờ thu hồi được các khoản nợ xấu.

Góp phần lớn nhất giúp lợi nhuận ACB tăng quý II là nhờ khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý II/2021, ACB phải chi ra gần 1.400 tỷ đồng để trích lập cho các khoản dự phòng cho vay. Tuy nhiên, trong quý II vừa qua, ACB không những không phải trích lập dự phòng mà còn được hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng nhờ xử lý xong các khoản nợ xấu tồn đọng từ trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACB đã đạt gần 13.800 tỷ thu nhập, tăng 16% và lợi nhuận trước thuế đạt 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Với kế hoạch lãi 15.000 tỷ đồng đặt ra, ACB hoàn thành 60% kế hoạch cả năm dù mới đi hết nửa năm tài chính.

Tính riêng quý II/2022, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.914 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là kỳ kinh doanh có hiệu quả nhất của ACB từ ngày thành lập.

Dư nợ tín dụng của ACB tính đến hết ngày 30/6 đạt gần 396.000 tỷ đồng, tăng 9,31% so với đầu năm. Ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng được cấp. Dư nợ tái cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giảm còn 13.000 tỷ đồng, tương ứng giảm 24% so với đầu năm và chỉ chiếm 3% tổng dư nợ.

Dù tổng nợ xấu tăng khoảng 7% so với hồi đầu năm song ngân hàng vẫn kiểm soát nợ xấu tốt khi tỉ lệ nợ xấu của ACB đến cuối quý II/2022 đã giảm từ 0,82% hồi đầu năm về 0,76%. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 206% xuống 185%, tương ứng cứ 100 đồng nợ xấu thì ACB đang trích lập 185 đồng. Dù tỉ lệ nợ xấu giảm song nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của ACB đã tăng khoảng 60% so với đầu năm, lên 2.190 tỷ đồng.

Trong kỳ báo cáo ghi nhận khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán hơn 200 tỷ chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Chi phí hoạt động tăng 41% so với cùng kỳ do năm 2021 ghi nhận khoản hoàn nhập chi phí rủi ro tài sản khác gần 600 tỷ đồng. Riêng chi phí hoạt động chưa bao gồm chi phí rủi ro tài sản khác chỉ tăng 21%.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đạt gần 544.000 tỷ đồng, tăng thêm 16.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng đạt trên 388.000 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 2,2%. Tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 25%, tương đương cuối năm 2021.

Kết phiên giao dịch ngày 27/7, cổ phiếu ACB dừng tại mức 24.200 đồng/cổ phiếu.