Thế giới

Ả Rập Xê-út vẫn chưa “chốt” có gia nhập khối BRICS hay không

Ả Rập Xê-út đang cân nhắc các lựa chọn của mình sao cho an toàn nhất, vì Vương quốc hàng đầu thế giới Ả Rập muốn có sự hỗ trợ của cả BRICS và phương Tây.

Khối BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn dắt, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 vào tháng 8 năm ngoái ở Nam Phi, đã mời 6 quốc gia mới gia nhập nhóm. Tuy nhiên, Argentina là quốc gia đầu tiên từ chối tư cách thành viên BRICS vì Tổng thống mới đắc cử Javier Milei tỏ ra hoài nghi về khối này.

Chỉ có Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iran, Ai Cập và Ethiopia đã trở thành thành viên của khối từ tháng 1/2024. Trong khi đó, Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia) cho đến nay vẫn chưa “chốt” có gia nhập BRICS hay không.

Ả Rập Xê-út vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, vì Riyadh vẫn đang trải qua một số quá trình nhất định để gia nhập nhóm, Đại sứ Nam Phi tại Nga Mzuvukile Geoff Maqetuka cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước TASS công bố hôm 27/2.

“Ả Rập Xê-út vẫn đang trải qua các quá trình riêng của họ. Một, với tư cách là một quốc gia. Hai, cùng với các đối tác BRICS. Ả Rập Xê-út vẫn chưa, chưa xác nhận. Chúng ta sẽ thấy điều đó khi chúng ta tới Hội nghị Thượng đỉnh năm nay ở Kazan”, Đại sứ Maqetuka giải thích.

Theo Watcher Guru, Ả Rập Xê-út đang cân nhắc các lựa chọn của mình sao cho an toàn nhất, vì Vương quốc hàng đầu thế giới Ả Rập muốn có sự hỗ trợ của cả BRICS và phương Tây.

Riyadh cần sự hỗ trợ của BRICS và các nước đang phát triển khác vì đây là những đối tác đang mua dầu của họ và tham gia vào các hoạt động thương mại và dịch vụ khác. Riyadh cũng cần Mỹ và các đồng minh phương Tây khác để duy trì nền kinh tế và hoạt động kinh doanh ở quốc gia nơi Petrodollar (đô la dầu mỏ) vẫn giữ vị trí thống trị.

Mặc dù đang cố gắng chuyển đổi khỏi nền kinh tế dầu mỏ, nhưng Ả Rập Xê-út không thể duy trì GDP nếu không có dầu mỏ. Ngoài ra, Vương quốc này cũng đang mở cửa nền kinh tế cho du lịch, và thách thức phương Tây sẽ là một sai lầm phải trả giá đắt. Nước láng giềng UAE đã trở thành trung tâm đầu tư toàn cầu sau khi nước này mở cửa nền kinh tế cho du lịch.

Ả Rập Xê-út muốn lặp lại thành công của UAE, và quá trình này cần sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh phương Tây khác. Do đó, Riyadh được cho là đang trì hoãn tư cách thành viên BRICS để tránh làm “phật lòng” phương Tây, Watcher Guru cho biết.

BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập nhóm vào năm 2011. Năm 2023 đánh dấu lần mở rộng đầu tiên của khối này.

Năm nay, với tư cách Chủ tịch luân phiên BRICS, Nga sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh của khối vào tháng 10 tới ở thành phố Kazan, một trong những thành phố lâu đời và lớn nhất ở miền Tây đất nước.

Theo Đại sứ Nam Phi Maqetuka, cuộc họp mặt của các nhà lãnh đạo BRICS ở thành phố Nga sẽ chứng kiến các quyết định về việc tiếp tục mở rộng khối, với việc hiện có 25 quốc gia đang nằm trong “danh sách chờ” gia nhập BRICS.

Ông Maqetuka nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải làm rõ cách thức một quốc gia có thể tham gia BRICS.

“Tôi không muốn sử dụng từ nộp đơn vì để trở thành thành viên BRICS, có 2 quy trình. Trong quy trình đầu tiên, bạn có thể cho biết rằng bạn có ý định tham gia. Trong quy trình thứ hai, bạn có thể trực tiếp nói rằng bạn muốn tham gia, vị Đại sứ giải thích, cho biết thêm rằng danh sách ứng cử viên sẽ rõ ràng tại Hội nghị Thượng đỉnh tới, và BRICS sẽ mở rộng.

“Nước nào sẽ là Chủ tịch luân phiên tiếp theo sau Nga? Đó sẽ là Brazil. Brazil sẽ vẫn giải quyết vấn đề này cho đến khi các nhà lãnh đạo quyết định rằng hãy tạm dừng. Nhưng ở Kazan, hiển nhiên là sẽ có thành viên mới”, ông Maqetuka nói, nhưng lưu ý rằng vấn đề chấp nhận thành viên mới sẽ phải diễn ra từ từ.

Minh Đức (Theo TASS, Watcher Guru)