Kinh tế vĩ mô

9 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón tăng 166% kim ngạch

9 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 1,39 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 886,17 triệu USD, tăng 166% kim ngạch.

Giá xuất khẩu phân bón trung bình đạt 637,7 USD/tấn, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 166% về kim ngạch và tăng 83% về giá so với 9 tháng đầu năm 2021.

Riêng tháng 9/2022 xuất khẩu phân bón đạt 161.448 tấn các loại, đạt 94,26 triệu USD, giá 583,8 USD/tấn, tăng 36,9% về khối lượng, tăng 33,6% kim ngạch nhưng giảm 2,4% về giá so với tháng 8/2022;

So với tháng 9/2021 thì tăng mạnh cả lượng, kim ngạch và giá, với mức tăng tương ứng 84,1%, 152,4% và 37%.

Thị trường xuất khẩu số một của phân bón Việt Nam vẫn là Campuchia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thị trường Campuchia chiếm 27,2% trong tổng khối lượng và chiếm 22,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước với 377.760 tấn tấn, tương đương 200,07 triệu USD.

Giá trung bình 529,6 USD/tấn, giảm 6% về lượng, nhưng tăng 29,9% kim ngạch và tăng 38,3% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng tháng 9/2022, xuất khẩu sang thị trường này tăng 1,4% về khối lượng nhưng giảm 2,1% về kim ngạch và giảm 3,4% về giá so với tháng 8/2022, đạt 40.286 tấn, tương đương 19,67 triệu USD.

Thứ hai là thị trường Hàn Quốc đạt 85.045 tấn, tương đương 63,36 triệu USD, giá trung bình 745 USD/tấn, tăng mạnh 262,3% về lượng, tăng 1.109% kim ngạch và tăng 233,7% về giá, chiếm 6,1% trong tổng khối lượng và chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.

Thứ ba là thị trường Malaysia đạt 115.810 tấn, tương đương 61,21 triệu USD, giá trung bình 528,6 USD/tấn, tăng 59,7% về lượng và tăng 280,3% kim ngạch, giá tăng 138%, chiếm 8,3% trong tổng khối lượng và chiếm 6,9% trong tổng kim ngạch.

Thứ tư là thị trường Philippines đạt 70.869 tấn, tương đương 55,24 triệu USD, giá trung bình 779,5 USD/tấn, tăng mạnh 106,6% về lượng, tăng 353,2% kim ngạch, giá tăng 119,4%, chiếm trên 5% trong tổng khối lượng và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch.

Hiện Công ty CP Phân bón Bình Điền là đơn vị xuất khẩu phân bón lớn vào thị trường Campuchia. Tuy nhiên, năm 2022 lượng xuất khẩu phân bón vào thị trường này dự kiến chỉ đạt 70% công suất so với năm 2021.

Trao đổi với Công thương, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, năm 2021, Bình Điền xuất khẩu khoảng 80 nghìn tấn phân bón các loại vào Campuchia. 9 tháng đầu năm, lượng phân bón Bình Điền vào thị trường này sụt giảm nhiều so với cùng kỳ.

Ông Ngô Văn Đông lý giải, lượng xuất khẩu phân bón dự kiến chỉ đạt 70% một phần do giá phân bón hiện tăng cao nên nông dân Campuchia chuyển sang dùng các phân bón rẻ tiền hơn. Ngoài ra, với giá phân bón cao như hiện nay, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang diễn ra phức tạp tại thị trường Campuchia khiến việc tiêu thụ phân bón Bình Điền khó khăn dù có một số thời điểm, công ty cũng đã giảm giá để xuất khẩu.

Năm 2021, Bình Điền sản xuất và tiêu thụ khoảng 740 nghìn tấn phân bón các loại. Tuy nhiên năm 2022 dự kiến lượng tiêu thụ sẽ sụt giảm khoảng 150 nghìn tấn, do khó khăn khách quan đến từ giảm lượng phân bón xuất khẩu và tiêu thụ trong nước do giá phân bón tăng cao.

Hiện Bình Điền cũng đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế như Lào, Myanmar để bù đắp sản lượng xuất khẩu sang Campuchia đang bị sụt giảm.

Trong quý III, doanh thu ước tính của Bình Điền đạt 2.317,4 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 60 tỷ, tăng 13,4%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất ước đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 113,7 tỷ% và lợi nhuận sau thuế đạt 211,5 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ,

Phân bón Bình Điền cũng thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh quý IV/2022 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 1.537 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 33,5 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lợi nhuận trước thuế đạt 18,4 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 1,39 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 886,17 triệu USD, tăng 166% kim ngạch.

Áp lực tăng trở lại vào cuối năm 2022 

Thông tin với Kinh tế đô thị, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, hiện giá phân bón trong nước và thế giới đang chịu nhiều áp lực tăng giá. Đầu tiên do Nga và Trung Quốc là những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu phân bón lớn nhất. Tuy vậy sản lượng xuất khẩu phân bón của Trung Quốc giảm mạnh từ tháng 9/2021 sau lệnh cấm xuất khẩu, và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đã làm hạn chế nguồn cung phân bón trên toàn cầu. 

Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với ure ban đầu được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022, các hoạt động xuất khẩu vẫn rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa. Hiện tại, tồn kho ure của Trung Quốc tại cảng đang thấp hơn 60% so với mức trung bình 10 năm. Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với ure trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022.

Ở một diễn biến khác, sau khi căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine diễn ra, các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga gồm hoãn đường ống dẫn khí Nord Stream 2; bắt buộc thanh toán khí bằng đồng Ruble; hạ dần sản lượng khí nhập khẩu từ Nga trong các năm tiếp theo đã khiến cho việc duy trì đủ lượng khí đốt của EU trở nên khó khăn hơn. Việc thiếu hụt nguồn cung khí trong khi nhu cầu vẫn cao đã khiến giá khí tại châu Âu tăng vọt. Giá khí tự nhiên đã tăng 4,37 USD/MMBtu hay 117,19% từ đầu năm 2022 đến ngày 12/9/2022.

Giá phân bón có thể tiếp tục tăng mạnh khi giá khí duy trì ở mức cao. Với giá khí như hiện tại, nhiều nhà máy đã đóng các dây chuyền sản xuất Ammonia hoặc sản xuất phân ure vì giá bán không bù được chi phí. Ước tính khoảng gần 30% công suất sản xuất ure bị cắt giảm và gần 25% công suất sản xuất Ammonia bị cắt giảm.

“Trong bối cảnh nguồn cung khí tại châu Âu đang vô cùng khan hiếm, hoạt động sản xuất phân bón bị cắt giảm, nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, chúng tôi dự đoán giá phân bón sẽ chịu áp lực tăng trở lại trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu phân bón của Việt Nam sẽ tăng cao”, ông Phùng Hà đưa ra dự báo.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, để ổn định thị trường, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước. Đến nay các doanh nghiệp đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước. Những giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở quy mô hộ, liên hộ, hợp tác xã cần được nhân rộng, phổ biến. Cùng với đó, để giảm giá phân bón, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hòa lợi ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất.

Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, cần tăng cường nguồn cung trong nước. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần duy trì tối đa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời, giảm các đại lý trung gian, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp cần tập trung ưu tiên bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước.

Hương Anh (tổng hợp)