Tài chính - Ngân hàng

TPBank báo lãi tăng 35% trong 9 tháng, khoản thu từ tín dụng chậm lại

TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 11.951 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ trong 9 tháng, song thu nhập từ lãi tín dụng của ngân hàng lại chậm lại.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank; HoSE: TPB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022.

Theo báo cáo, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 11.951 tỷ đồng, tăng 2.045 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ. Đóng góp chính trong tổng thu nhập của ngân hàng là nguồn thu nhập từ lãi thuần với hơn 8.600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 20,62% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng cũng đạt tỉ lệ tăng trưởng mạnh với mức tăng hơn 78% so với cùng kỳ, mang lại nguồn thu 1.876 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động dịch vụ tăng mạnh nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh so với năm 2021.

Tuy nhiên, mức tăng thu nhập từ lãi tín dụng của ngân hàng chậm lại, thay vào đó, gia tăng nguồn thu từ phí.

Sau đi khấu trừ thuế và chi phí, TPBank đạt 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương tăng 35% .

Tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2022 đạt hơn 317.000 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch mục tiêu. Tổng huy động của ngân hàng đạt trên 280.000 tỷ đồng, tăng 49.515 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2021. Dư nợ tín dụng đạt 178.902 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tỉ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại thời điểm 30/6/2022 đạt 12,25% và tỉ lệ cho vay trên tiền gửi của khách hàng (LDR) tính đến hết tháng 9 đạt 60,91%. Tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%.

Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của công ty chứng khoán SSI, lợi nhuận trước thuế quý III/2022 của TPBank ước tính đạt 2.100 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ). Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hạn chế, tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) và tỉ lệ nợ xấu sẽ phần nào chịu áp lực trong giai đoạn này.

Theo SSI, rủi ro ngắn hạn liên quan đến lĩnh vực bất động sản sẽ cản trở tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng vào năm 2023. Dư nợ cho vay chuỗi giá trị trong lĩnh vực bất động sản (bao gồm xây dựng, phát triển bất động sản và cho vay mua nhà) chiếm khoảng 29% tổng tín dụng, chưa tính đến dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các chủ đầu tư bất động sản.

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá tín dụng Moody’s cũng kỳ vọng NIM của TPBank sẽ cải thiện trong thời gian tới nhờ mặt bằng lãi suất cho vay cao hơn và giảm được gánh nặng từ các khoản vay được tái cơ cấu, phù hợp với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.