Tiêu điểm

80% thời gian người dân "lãng phí cho việc chờ đợi" tại bệnh viện

Bộ Y Tế kỳ vọng vào việc chuyển hoá được sáng tạo KHCN thành giá trị thực tế, đưa ra những sản phẩm dịch vụ số trong y tế nhằm nâng cao và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Phát biểu chủ trì hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y Tế, ông Nguyễn Trường Nam bày tỏ: “Ngành Y tế trong năm 2021 đã nỗ lực hết sức để vượt qua thách thức lớn chưa từng có về dịch bệnh”.

Và đã đạt được một số điểm nổi bật, được thế giới công nhân, trong những kết quả đạt được có sự giúp sức không nhỏ của việc ứng dụng KHCN trong công tác phòng chống dịch cũng như CĐS ngành y tế.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y Tế, ông Nguyễn Trường Nam

Ông Nam nhận định, phải lấy sức khoẻ của nhân dân làm trung tâm cho mọi sự đổi mới. Qua đó, Bộ kỳ vọng nhiều vào việc chuyển hoá được sáng tạo KHCN thành giá trị thực tế, đồng thời giải quyết được những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Từ đó, tạo ra được những sản phẩm dịch vụ số trong y tế có ý nghĩa to lớn với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hướng đến lợi ích của nhân dân

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Đỗ Tiến Lộc - Trưởng phòng CNTT Đại học Y cho biết, mục tiêu CĐS ngành y phải luôn xác định, gắn liền với 3 chủ thể: bệnh nhân, bác sĩ, bệnh viện. 

Cụ thể, bệnh nhân muốn được cung cấp dịch vụ, khám chữa bệnh tốt hơn; bác sĩ thì muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời bệnh viện lại cần tối ưu hóa nguồn lực. Như vậy để giải quyết ba bài toán này, có rất nhiều phương án, nhưng trong đó hiệu quả nhất là ứng dụng CNTT tại bệnh viện.

Từ đó, ông đưa ra 4 nhóm lợi ích mà người dân có thể được hưởng lợi từ quá trình CĐS tại bệnh viện. Thứ nhất, người dân sẽ được hưởng chất lượng khám, chữa bệnh hiệu quả hơn, qua đó, thời gian điều trị, nằm viện sẽ giảm.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ được giảm chi phí. Bởi ứng dụng công nghệ, đồng nghĩa với việc người bệnh có thể tham gia chương tỉnh khám chữa bệnh từ xa, khám telehealth để điều trị tuyến dưới, không cần thiết đi lên tuyến trên.

Từ đó, sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí đi lại, sinh hoạt trong thời gian chữa bệnh của người dân tại các bệnh viện tuyến đầu.

Áp dụng CĐS trong lĩnh vực y tế đem đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân, đặc biệt về mặt thời gian và chi phí

Điều đặc biệt quan trọng khác, CĐS còn giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi cho mỗi lần khám, chữa bệnh. 

Chia sẻ về điều này, ông Lộc cho biết thêm: “Hiện nay, theo thống kê của chúng tôi, thời gian người bệnh được bác sĩ khám hoặc thực hiện những dịch vụ lâm sàng tại bệnh viện chỉ chiếm 20% thời gian người bệnh ở bệnh viện. Còn lại 80% thời gian lãng phí cho việc chờ đợi".

Mặt khác, khi áp dụng CNTT, AI vào hoạt động khám, chữa bệnh, bệnh nhân sẽ được cung cấp trợ lý ảo, hỗ trợ ở ba giai đoạn: trước, trong và sau khi khám bệnh.

Cụ thể, giai đoạn một, trợ lý sẽ hỗ trợ tra cứu lịch khám chữa bệnh của bác sĩ, tra cứu giá dịch vụ, đặt lịch khám online… 

Giai đoạn hai, trợ lý sẽ tính khoảng thời gian dự kiến vào khám hay thực hiện dịch vụ và thông báo tới người bệnh, đồng thời sẽ hỗ trợ cho các khâu thanh toán điện tử. 

Giai đoạn ba, trợ lý sẽ hỗ trợ người bệnh nhận các loại kết quả, đơn thuốc, nhắc giờ uống thuốc, cũng như liên hệ với bác sĩ phụ trách.

Cần bảo mật tuyệt đối thông tin bệnh nhân

Bên cạnh đó, CĐS cũng đặt ra cho ngành y tế nhiều thách thức trước mắt, một trong số những khó khăn chính là vấn đề bảo mật thông tin trên không gian số.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, Chuyên gia CNTT về Y tế, Cố vấn cấp cao cho Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Việc bảo mật thông tin trong y tế phải là tuyệt đối”.

Ông lấy ví dụ về vụ việc Phó Thủ tướng Singapore bị lộ lọt thông tin sức khỏe ra ngoài, dẫn đến rất nhiều hệ luỵ. Do đó, “bảo mật tuyệt đối” cần được thể hiện ở hai hình thức.

Bảo mật thông tin trong y tế phải ở mức tuyệt đối

Thứ nhất, hồ sơ bệnh án, được bảo mật tại bệnh viện nên phải là tuyệt đối. Nếu hồ sơ bệnh án được chuyển lên hệ thống CSDL tập trung thì bệnh án cũng phải được bảo mật tuyệt đối. 

Ngoài ra, để bảo mật sức khoẻ của người dân theo hệ thống PHR như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên chưa thể triển khai ở Việt Nam vì đây là phần mềm của nước ngoài, chủ quản cũng do công ty nước ngoài chịu trách nhiệm.

Mặt khác, đối với hồ sơ sức khoẻ, sau mỗi ca khám bệnh, người dân cần phải yêu cầu kết nối với hồ sơ bệnh án, do đó ngoài việc bảo mật hồ sơ bệnh án, bệnh viện cũng cần bảo mật hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân

“Đây cũng là điều ngành y tế đang rất quan tâm và là những việc nằm trong lộ trình của Bộ Y Tế trong năm tới”, đại diện Bộ Y Tế cho hay.

Không chỉ vậy, ngay từ phía Chính phủ cũng đang Dự thảo Nghị định về bảo mật dữ liệu riêng tư. Tuy nhiên để triển khai những phần mềm trên tại Việt Nam thì vẫn cần nhiều đánh giá, nghiên cứu cụ thể và có phương pháp đưa vào thực tiễn hiệu quả.

Hội thảo CĐS trong lĩnh vực y tế được tổ chức dứoi hình thức trực tuyến, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 - Vietnam DX Summit 2021.