Sức khỏe

8 nhóm người không nên ăn giấm kẻo "hối không kịp"

Giấm là gia vị quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình nhưng có những người nên cẩn trọng khi ăn kẻo hại đến sức khỏe.

Giấm là một chất lỏng có vị chua, được hình thành từ sự lên men của rượu. Thành phần chính của dấm là axit axetic và nước, với nồng độ axit khoảng 5%. Căn cứ vào nguyên liệu và màu sắc mà người ta phân ra nhiều loại giấm khác nhau như: Giấm gạo, giấm trắng, giấm đỏ, giấm đen, giấm táo, giấm nho…

Giấm có một số lợi ích đối với sức khỏe như:

Giấm có nhiều lợi ích nhưng người có bệnh về đường tiêu hóa, răng miệng nhạy cảm nên hạn chế ăn. (Ảnh minh họa)

-Kích thích tiêu hóa: Giấm có thể tăng sự thèm ăn, có tác dụng làm tiết nước bọt và tăng cường tiêu hóa. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nóng nực khiến chúng ta chán ăn. Khi chế biến các món ăn thêm một chút giấm sẽ giúp kích thích sự ăn uống.

-Hỗ trợ sát khuẩn đường ruột: Dấm có thể chế ngự được nhiều loại vi khuẩn ở đường ruột, giúp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe.

-Tăng hấp thụ canxi: Dấm có thể hòa tan canxi chứa trong nhiều loại thực phẩm nguồn gốc động vật (bởi chỉ có canxi đã hòa tan mới được ruột non của cơ thể người hấp thụ). Vì vậy các thực phẩm như xương sườn, vịt nên thêm một chút giấm.

-Giúp giữ vitamin C: Khi nấu rau thêm chút giấm có thể giảm bớt sự thất thoát vitamin C trong rau.

-Phòng xơ cứng động mạch: Người cao huyết áp trước khi ăn uống 1 thìa giấm hòa lẫn đường phèn hoặc mỗi buổi sáng sớm ăn 10 hạt đậu phộng ngâm giấm cũng có tác dụng giảm huyết áp và phòng xơ cứng động mạch.

-Hỗ trợ trị táo bón: Người bị táo bón có thể uống nước giấm pha loãng để giúp việc đi đại tiện dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, do giấm có tính axit nên những nhóm người dưới đây không nên ăn hoặc hạn chế ăn giấm.

Người mắc chứng khó nuốt và các bệnh về đường tiêu hóa

Giấm có tính axit, có thể làm tổn thương yết hầu, người mắc chứng khó nuốt ăn vào sẽ thấy khó chịu. Những người bị viêm loét dạ dày ăn giấm cũng có thể bị đau quặn vùng bụng.

Người bị hạ kali máu

Hạ kali máu là rối loạn điện giải thường gặp trong lâm sàng. Ở cơ thể khoẻ mạnh, tình trạng này còn bù trừ được, nhưng hạ kali máu nặng có thể đe doạ tính mạng. Nguy cơ gây hạ kali máu của giấm không cao nhưng vẫn có thể xảy ra nếu tiêu thụ nhiều trong thời gian dài. Người hay bị hạ kali máu tốt nhất nên hạn chế ăn giấm.

Người có vấn đề về răng miệng

Axit axetic trong giấm có tính ăn mòn, thường xuyên ăn giấm sẽ gây tổn thương các niêm mạc vùng răng miệng. Đây là lý do mà một số người ăn giấm sau một thời gian thấy vấn đề răng miệng của mình trầm trọng hơn.

Người đang sử dụng thuốc

Nếu đang dùng thuốc tăng cường lực co bóp của cơ tim hoặc thuốc lợi tiểu, bạn không nên ăn giấm vì axit axetic trong giấm có thể thay đổi độ pH của cơ thể, ảnh hưởng tới tính chất và khả năng hấp thụ thuốc. Điều này không những làm giảm tác dụng của thuốc mà còn có thể
gây ra các phản ứng không mong muốn.

Người dị ứng với giấm

Giống như dị ứng với các thực phẩm như tôm, cá, xoài,… người bị dị ứng với giấm tuyệt đối không được sử dụng loại gia vị này.

Những người mẫn cảm với axit và huyết áp thấp

Đối với những người mẫn cảm với đồ ăn chứa nhiều axit nên thận trọng khi dùng giấm. Bởi giấm có thể là tác nhân gây ngứa ngáy, phù thũng, hắt hơi. Giấm cũng không tốt với những người bị huyết áp thấp vì có thể làm xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.

Người già đang điều trị gãy xương

Các thành phần trong giấm có khả năng làm mềm các khớp xương và làm thoát canxi, nó còn phá vỡ mức độ cân bằng của canxi trong cơ thể, kích hoạt và khiến tình trạng loãng xương trở nên nghiêm trọng hơn.

Người bị sỏi mật

Người bị sỏi mật ăn quá nhiều giấm có thể làm mật quặn đau vì thức ăn có tính axit vào ruột sẽ kích thích nó tiết ra kích thích tố đường ruột, khiến túi mật co lại gây đau.

Minh Hoa (t/h)