8 học sinh nói xấu giáo viên bị kỷ luật: Thầy cô có bao dung?

Giáo viên là một nghề nhọc nhằn vì môi trường học đường không được phép cho ra những phế phẩm. Thế nên thầy cô cần ghi nhớ “càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”.

Chỉ vì nói xấu thầy cô trên Facebook, 8 học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Thanh Hóa) bị Hội đồng kỷ luật nhà trường đình chỉ học tập, trong đó có em bị kỷ luật cao nhất là 1 năm. Mặc dù nhà trường đã thu hồi văn bản kỷ luật để xem xét lại hình thức vi phạm của từng học sinh nhưng sự việc này khiến cho dư luận không khỏi bức xúc. Bởi, đó là cách hành xử của người thầy chưa thấu tình đạt lý về chuyên môn nghiệp vụ.

Theo thông tin, ngày 1/10, em Đào Minh Tr. sử dụng điện thoại di động trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Từ đây, cô giáo chủ nhiệm thấy trên màn hình điện thoại của em Tr. hiển thị cuộc nói chuyện với bạn được cho là nói xấu các thầy cô.

Nhận thấy việc làm trên của các học sinh là sai phạm lớn nên nhà trường đã thành lập Hội đồng xét kỷ luật nhóm 8 em học sinh theo Thông tư 08/TT. Theo đó, 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.

Là nhà giáo có thâm niên làm việc trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy, nhà trường đã phạm phải 3 sai lầm rất lớn, đó là:

Giáo viên chưa hiểu tâm lý lứa tuổi

Thầy cô trường THPT Nguyễn Trãi chưa “sạch nước cản” về đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh THPT. Là giáo viên ở bậc học này, hầu hết người thầy đều nằm lòng những môn học thuộc về Tâm lý lứa tuổi từ lúc họ còn là năm nhất, năm hai ở trường sư phạm.

Theo đó, tuổi học sinh THPT là thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể. Sự phát triển thể chất đã bước vào thời kỳ phát triển bình thường, hài hòa, cân đối. Cơ thể của các em đã đạt tới mức phát triển của người trưởng thành, nhưng sự phát triển của các em còn kém so với người lớn.

Điều đáng quan tâm, ở tuổi này, học sinh dễ bị kích thích và sự biểu hiện của nó cũng giống như ở tuổi thiếu niên. Tuy nhiên tính dễ bị kích thích này không phải chỉ do nguyên nhân sinh lý như ở tuổi thiếu niên mà nó còn do cách sống của cá nhân (như hút thuốc lá, không giữ điều độ trong học tập, lao động, vui chơi, …)

Nhìn chung, ở lứa tuổi này, một số học sinh vẫn còn nhược điểm là chưa phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ của bản thân, còn kết luận vội vàng theo cảm tính. Vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn, giúp đỡ các em tư duy một cách tích cực độc lập để phân tích đánh giá sự việc và tự rút ra kết luận cuối cùng. Việc phát triển khả năng nhận thức của học sinh trong dạy học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên.

Học sinh cần được giáo viên yêu quý nhiều hơn. (Ảnh mình họa, ảnh: Lành Nguyễn).

Vận dụng hình thức kỷ luật máy móc

Thứ hai, việc Ban Giám hiệu nhà trường cho rằng, việc kỷ luật cao nhất với hình thức đình chỉ học 1 năm là vì học sinh không nhận ra sai lầm, không biết ăn năn hối cãi nên việc vận dụng thông tư 08/TT về khen thưởng - kỷ luật để xử lý học sinh ở mức cao nhất là hoàn toàn sai lầm.

Thông tư 08/TT quy định hình thức kỷ luật đuổi học 1 năm phải thỏa mãn 1 trong 2 nội dung như sau:

- Mắc khuyết điểm sai phạm đã bị Hội đồng kỷ luật nhà trường thông qua Hiệu trưởng đuổi học 1 tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác.

- Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: Tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn, …) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương.

Chiếu theo quy định trên, có thể thấy, những học sinh này mới chỉ sai phạm lần đầu, các em chưa từng bị kỷ luật với hình thức đuổi học 1 tuần lễ và những hành vi này cũng chưa đến nỗi gây ra những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người, thì hà cớ gì nhà trường phải vội vàng, nóng nảy xử lý với hình thức như thế?

Nhà trường ứng xử thiếu bao dung

Và quan trọng nhất, cách hành xử của nhà trường rõ ràng là thiếu chuyên môn nghiệp vụ và chưa bao dung với học sinh. Tiến sĩ Châu Minh Hùng, giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn bình luận:

“Nếu giáo viên có nghiệp vụ sư phạm thì sẽ biết xử lý tình huống khác hẳn. Dù học sinh nói xấu mình đúng hay sai, đều phải trao đổi riêng với các em trước khi đi đến một quyết định nào đó. Học sinh đã trao đổi riêng trong nhóm kín thì giáo viên cũng nên gặp cả nhóm để cùng trao đổi. Nếu học sinh nói đúng, giáo viên sẽ nhận lỗi và khắc phục. Tất nhiên, giáo viên sẽ nhắc các em từ nay thấy mình sai thế nào cũng hãy nói thẳng để mà tiếp thu, sửa đổi”.

“Và cũng không phải không có chuyện học sinh bịa đặt, mang giáo viên ra làm trò đùa với nhau. Trong trường hợp đó, giáo viên cần nghiêm khắc nhắc nhở chứ không nên làm cho to chuyện. Học sinh ở tuổi 15 rất bồng bột, thiếu suy nghĩ chín chắn nhưng các em cũng rất dễ nghe dễ bảo. Vì vậy, giáo viên cần giáo dục ôn hòa, dùng nhân tâm để thu phục học sinh thì việc giáo dục mới có kết quả. Trường hợp học sinh có dấu hiệu vô kỷ luật, sai phạm đến mức không thể giáo dục mà người thầy không thể kiên nhẫn được nữa thì chờ học sinh tái phạm, lúc đó sẽ xử lý nghiêm minh. Giáo dục khác hình sự ở chỗ đó”, TS Hùng phân tích.

Giáo viên là một nghề nhọc nhằn vì đây môi trường học đường không được phép cho ra những phế phẩm. Thiết nghĩ, giáo viên cần ghi nhớ "càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu."

Thạc sĩ Phan Thế Hoài

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!