Sức khỏe

8 giờ phối hợp cứu sống thần kỳ 2 bệnh nhân xuất huyết não nguy kịch

Ngày 11/12, các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh kết hợp Khoa Đột quỵ, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống 2 bệnh nhân xuất huyết não nguy kịch do vỡ túi phình.

Cụ thể, bệnh nhân nam Phạm Minh T., 27 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng, được chuyển đến vào lúc 23h ngày 16/11 trong tình trạng đột ngột hôn mê. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện, T. than đau nhức đầu dữ dội.

Hình ảnh túi phìn bệnh nhân T. trước và sau can thiệp.

Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu. Xác định đây là trường hợp có nguy cơ tử vong rất cao nếu không xử trí kịp thời. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền.

Ê-kíp can thiệp gồm Bs.Trịnh Thành Tính - Khoa Ngoại Thần kinh và Bs.CK2 Nguyễn Thanh Liêm – Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. Kết quả chụp cho thấy có búi dị dạng động tĩnh mạch não vị trí gần não thất bên ở bên trái.

Khoảng 3 giờ phẫu thuật, tình trạng sau khi phẫu thuật còn rất nặng, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và hồi sức tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức. Hiện nay, sau 24 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tiếp xúc được, sinh tồn ổn định, tự thở và vẫn đang tiếp tục được điều trị phục hồi.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân K..

Trường hợp thứ hai, ê-kíp các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống bệnh nhân 75 tuổi, tên Lê Thị K., ngụ TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Bệnh nhân K. được bệnh viện địa phương chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 19h30 ngày 18/11 trong tình trạng đau đầu dữ dội vùng chẩm, nôn ói liên tục khoảng 3 giờ trước khi nhập viện.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não ghi nhận, bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình động mạch thông trước, tắc động mạch não trước.

Ê-kíp cấp cứu đã hội chẩn cùng Khoa Đột quỵ và Khoa Ngoại Thần kinh đánh giá, lựa chọn phương pháp xử trí tối ưu trên bệnh nhân với chẩn đoán: Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch thông trước.

Các bác sĩ đã thống nhất lựa chọn phương pháp phẫu thuật kẹp cổ túi phình do Bs.CK2 Trần Văn Minh - Phó Khoa Ngoại Thần kinh, Bs.CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện. Thời gian phẫu thuật khoảng 5 giờ.

Do bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền lâu năm, và tình trạng phù não sau mổ; vì vậy, giai đoạn hồi sức sau mổ cũng là một thách thức. Tuy nhiên, vào ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân dần tỉnh lại. Sau 21 ngày điều trị, bệnh đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vận động 2 tay tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Theo Bs.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, để điều trị cấp cứu kịp thời và hiệu quả bất kỳ trường hợp đột quỵ nào luôn cần sự phối hợp nhịp nhàng nhiều chuyên khoa như: Cấp cứu, Đột quỵ, Ngoại Thần kinh, Gây mê, Hồi sức tích cực. Bên cạnh đó, cần phải có đầy đủ các phương tiện hiện đại giúp chẩn đoán chính xác và kịp thời. Đây là thế mạnh của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

“Sau khi thành lập khoa Đột quỵ, hướng tới, bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phát triển khoa này thành Trung tâm đột quỵ. Điều này hết sức quan trọng, ý nghĩa với bệnh nhân tại khu vực ĐBSCL khi mở ra nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ hơn”, Bs.CK2 Phạm Thanh Phong chia sẻ.

Thanh Lâm