Góc nhìn luật gia

8 con hổ bị chết sau khi giải cứu ở Nghệ An sẽ được xử lý thế nào?

8/17 con hổ người dân nuôi nhốt bất hợp pháp, sau khi được công an giải cứu đã bị chết. Theo quy định của pháp luật xác của chúng sẽ được xử lý như thế nào?

Ngày 6/8, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, 8/17 con hổ được đơn vị này giải cứu từ các chuồng trại nuôi nhốt trái phép tại huyện Yên Thanh đã bị chết. Hổ là loài động vật quý hiếm và có nhiều giá trị trong y học nên xác 8 con hổ bị chết sẽ được xử lý như thế nào là vấn đề dư luận rất quan tâm.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã trao đổi với PV các quy định của pháp luật liên quan đến sự việc này và phương án xử lý xác 8 con hổ bị chết.

Theo Luật sư Cường, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã thuộc nhóm quý hiếm, nguy cấp đang được bảo tồn là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và an toàn của động vật hoang dã, có nguy cơ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật khác như mua bán, giết thịt trái phép động vật hoang dã.

Vì vậy, cơ quan điều tra bắt giữ, xử lý các đối tượng có liên quan là có căn cứ pháp luật.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các động vật rừng thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm được chia thành ba nhóm như sau. Thứ nhất là các nhóm thuộc loại được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Nhóm thứ hai là các loại thực vật rừng, động vật nguy cấp quý hiếm- Nhóm IB được quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Nhóm thứ ba là thuộc Phụ lục 1 Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

Căn cứ vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì hổ thuộc nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt).

Một số con hổ nuôi nhốt trái phép được Công an Nghệ An phát hiện và giải cứu.

Bởi vậy, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép hổ là phạm pháp. Vì vậy, hành vi trong vụ việc nêu trên là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu hình sự. Tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ nuôi nhốt bất hợp pháp và mục đích nuôi nhốt động vật mà người vi phạm sẽ bị xử lý về các tội danh và đối diện với các mức hình phạt khác nhau, theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ thì Hổ thuộc họ mèo, tên khoa học là “Panthera tigris” thuộc thứ tự số 38 trong bảng danh mục kèm theo nghị định. Đây là một trong các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nên hành vi nuôi nhốt động vật sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 244 Bộ luật hình sự năm 2015.

Còn trường hợp nguyên nhân tử vong của các cá thể hổ này là do bệnh lý, việc chăm sóc, bảo quản đúng quy trình, quy định thì sẽ không truy trách nhiệm của đơn vị quản lý. Vấn đề này cần phải có cơ quan chuyên môn phân tích, đánh giá trên cơ sở các chứng cứ pháp lý, bằng chứng khoa học.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp.

Về nguyên tắc thì vật chứng của vụ án có thể đem bán đấu giá hoặc đem tiêu hủy. Nếu là động vật thì sẽ mang tiêu hủy. Với động vật là thuộc loại quý hiếm, không được phép mua bán trên thị trường, càng không được phép bán đấu giá. Việc bán đấu giá chỉ thực hiện đối với những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, xác hổ cũng có nhiều giá trị, tác dụng trong lĩnh vực y học nên những con hổ này không chết vì trúng độc, nhiễm bệnh truyền nhiễm thì có thể cơ quan chức năng sẽ lưu giữ những xác này để phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc phục vụ cho y học.

Luật sư Cường nhấn mạnh: Tuyệt đối không được phép sử dụng vào mục đích cá nhân, tư lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Vấn đề này phải giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.