Đời sống

7 thực phẩm vừa rẻ vừa tốt cho tim mạch

Thường xuyên bổ sung những loại thực phẩm này vào thực đơn hàng ngày, bạn có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và các bệnh lý khác.

Khoai lang

Khoai lang chứa nhiều chất chống ô xy hóa, chất xơ, vitamin và khoáng chất như sắt, canxi, magiê, phốt pho, kali và kẽm, khoai lang có thể giúp tăng cường miễn dịch một cách tự nhiên.

Ngoài ra, thêm khoai lang vào chế độ ăn hằng ngày của bạn có thể đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất của cơ thể, giúp cải thiện thị lực, kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu cũng như giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch…

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoai lang là một món phụ tốt cho sức khỏe vào bữa tối. Một chén khoai lang nướng cả vỏ chứa nhiều vitamin A, chất xơ khuyến nghị hàng ngày, giúp tim, phổi và thận hoạt động bình thường; Thêm vào đó, khoai lang có đầy đủ các chất chống oxy hóa để giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong mạch máu.

Bưởi

Ăn bưởi thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Trong bưởi có hợp chất naringenin, một chất chống oxy hóa có thể giúp gan đốt cháy lượng mỡ dư thừa. Đồng thời bưởi giúp cải thiện quá trình kiểm soát lượng đường trong máu, làm hạ đường huyết, rất tốt cho những người mắc bệnh tim mạch hay béo phì. Chọn bưởi nên chọn những quả nặng tay và có độ đàn hồi. Bưởi đào thường tốt hơn bưởi trắng.

Sô cô la

Sô cô la giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạch vành nhờ thành phần flavanol có trong sô cô la, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và điều chỉnh sự trao đổi chất. Theo Hiệp hội Tim mạch châu Âu, ăn 12 ô sô cô la đen mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ suy tim.

Tất nhiên, chỉ ăn sô cô la không để phòng bệnh tim mạch là chưa đủ. Sô cô la chỉ nên là một phần của kế hoạch dự phòng bệnh tim mạch của bạn. Ngoài ăn sô cô la, bạn vẫn nên thực hiện một lối sống lành mạnh để có thể giảm được tối đa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Cà chua nấu chín

Cà chua nấu chín chống lại việc hình thành cục máu đông. Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Tufts ở Boston cho thấy, ăn các loại thực phẩm giàu lycopene như cà chua hơn 5 lần trên 1 tuần và kéo dài trong khoảng 11 năm làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành tới 26%. Lycopene trong cà chua là một hợp chất chống oxy hóa tốt.

Bạn có nhiều lựa chọn để thưởng thức cà chua như ăn sống hoặc nấu chín. Tuy nhiên theo các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore thì ăn cà chua nấu chín sẽ giúp lycopene được hấp thu tốt hơn.

Trà

Trong trà xanh có chất catechin bảo vệ tim mạch.

Một nghiên cứu qua 40.530 người lớn Nhật Bản phát hiện ra rằng những người tham gia uống nhiều hơn năm tách trà xanh mỗi ngày có nguy cơ thấp hơn 26% tử vong do nhồi máu cơ tim hay đột quỵ và nguy cơ thấp hơn 16% tử vong do mọi nguyên nhân so với những người uống ít hơn một tách trà xanh mỗi ngày.

Uống trà mỗi ngày có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh tim mạch do chứa nhiều flavonoid. Bạn nên uống ít nhất 3 cốc trà mỗi ngày. Uống trà xanh có chất catechin hoạt động như một chất bảo vệ tim mạch và tăng cường trao đổi chất.

Các loại đậu

Các loại đậu ngăn ngừa rối loạn tim mạch.

Đậu hạt, đậu lăng, đậu Hà Lan… các loại đậu làm giảm cholesterol và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của rối loạn tim mạch vì chúng cung cấp protein thực vật, carbohydrate với chỉ số đường huyết thấp và các vitamin nhóm B.

Quả bơ

Quả bơ chứa phytosterol có tác dụng điều chỉnh cholesterol xấu, các axit oleic và linoleic giúp kiểm soát mức cholesterol tốt và chất béo trung tính. Toàn bộ có tác dụng bảo vệ trái tim.

Bơ là một loại trái cây chứa đầy chất béo và protein lành mạnh. Chất béo bơ là chất béo không bão hòa có lợi, có thể giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, quả bơ cũng chứa nhiều vitamin K, vitamin E và chất xơ có thể giúp bảo vệ tim của bạn.

Trúc Chi (t/h)